Các nhà tài trợ bày tỏ lo ngại về sự cai trị của Taliban khi LHQ tìm kiếm nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã huy động hàng triệu đô la quỹ khẩn cấp từ các nước tài trợ cho những người Afghanistan có thể sớm đối mặt với nạn đói lan rộng. Các chính phủ phương Tây và người đứng đầu nhân quyền của Liên hợp quốc đều bày tỏ lo ngại về những bước đầu tiên của Taliban trong việc thiết lập quyền lực ở Afghanistan.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/7/2021. Ảnh Paul White
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/7/2021. Ảnh Paul White

Các bên đều quan ngại rằng Afghanistan có thể tiếp tục chìm sâu vào nạn đói và suy sụp kinh tế sau khi ​​Taliban lật đổ chính phủ trong một cuộc càn quét chớp nhoáng, buộc các lực lượng Mỹ và NATO rời khỏi cuộc chiến kéo dài 20 năm.

LHQ cùng với các đối tác đang tìm kiếm 606 triệu USD trong thời gian còn lại của năm để giúp đỡ 11 triệu người. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị:

Người dân Afghanistan cần một chiếc phao cứu sinh. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, đau khổ và bất an, họ có lẽ phải đối mặt với thời khắc nguy hiểm nhất. Giờ là lúc cộng đồng quốc tế sát cánh với họ.

Ông cho biết cứ ba người Afghanistan thì có một người không biết bữa ăn tiếp theo của họ sẽ đến từ đâu, tỷ lệ đói nghèo đang tăng lên, các dịch vụ công cơ bản gần như sụp đổ. Hạn hán nghiêm trọng đang đe dọa vụ thu hoạch sắp tới, và nạn đói ngày càng gia tăng.

Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết người Afghanistan ngày càng thiếu tiền mặt để mua thực phẩm, phần lớn trong số đó đều được nhập khẩu, ví dụ như bột mì. Ngoại hối đóng băng và ngân sách nhà nước tê liệt đã tước đi số tiền họ cần, cũng như khiến giá thực phẩm và nhiên liệu tăng lên.

Một số nước đã rót vốn, nhưng cảnh báo kế hoạch viện trợ trong tương lai có thể bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào cách Taliban điều hành.

Cũng như nhiều hội nghị tài trợ khác do LHQ chủ trì, một số quốc gia đã rót thêm quỹ, những quốc gia khác nhấn mạnh các cam kết đã được thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã công bố kế hoạch để Đức rót 500 triệu euro (590 triệu USD) vào Afghanistan và các nước láng giềng, nhưng thông tin cụ thể không được cung cấp ngay lập tức. Đan Mạch cho biết họ sẽ cung cấp thêm 38 triệu đô la và Na Uy là 11,5 triệu đô la.

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ cho biết Hoa Kỳ "cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo" và hỗ trợ người Afghanistan, đồng thời sẽ bổ sung thêm 64 triệu đô la hỗ trợ mới cho LHQ và các tổ chức đối tác. Bà nói, con số này nâng tổng số tiền Hoa Kỳ chi cho Afghanistan lên 330 triệu đô la trong năm tài chính này.

Chúng tôi cần các cam kết bằng lời nói và bằng văn bản của Taliban về quyền hoạt động của các cơ quan nhân đạo, cách đối xử và quyền của các nhóm thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái (tại Afghanistan). Lời nói thôi chưa đủ. Chúng ta phải thấy được hành động của họ. Cộng đồng quốc tế thống nhất trong thông điệp này.

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền cũng ở Geneva, nói rằng thế giới có "nghĩa vụ đạo đức" phải giúp đỡ người dân Afghanistan. Tuy nhiên, ông cũng cho biết mức độ tôn trọng của Taliban đối với nhân quyền, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, sẽ là chuẩn mực để Đức và các đối tác xác định các kế hoạch tương lai với một chính phủ Afghanistan mới.

Thế giới đang theo sát tình hình của Afghanistan dưới thời chính quyền Taliban

Lần đầu tiên các chiến binh Hồi giáo nắm quyền vào cuối những năm 1990, Taliban đã áp đặt chế độ cai trị hà khắc, bé gái và phụ nữ không được học hành và bị loại ra khỏi đời sống cộng đồng. Thế giới hiện đang quan sát xem lực lượng này có những thay đổi tích cực nào như đã khẳng định trong lần quay lại này.

Sau khi nắm chính quyền vào ngày 15/8/2021, Taliban đã đưa ra lời hứa sẽ ân xá ân xá cho những người Afghanistan từng làm việc với Mỹ và chính phủ Afghanistan; thành lập một chính phủ có cả phe đối lập và đại diện của nhiều nhóm khác nhau trong cộng đồng; và không ngăn cản Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Nhưng nhiều người Afghanistan vẫn vô cùng lo sợ, đặc biệt là vì những động thái ban đầu của Taliban. Nhóm này đã thành lập một chính phủ toàn nam giới, và toàn người thuộc lực lượng Taliban. Các quan chức cảnh sát Taliban đã đánh đập các nhà báo Afghanistan và giải tán một cách thô bạo các cuộc biểu tình của phụ nữ.

Ông Heiko Maas đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Taliban khi loại trừ các nhóm khác khỏi chính phủ lâm thời, nói rằng đó là "không phải là tín hiệu đúng đắn" cho sự hợp tác và ổn định quốc tế.

Cao ủy nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet, cảnh báo về một "giai đoạn mới và nguy hiểm" đối với Afghanistan khi chứng kiến lực lượng Taliban đang có mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của mình. Văn phòng của bà đã nhận được những cáo buộc đáng tin cậy về các vụ giết người trả đũa của Taliban đối với các lực lượng an ninh Afghanistan trước đây, cũng như các trường hợp các quan chức trong chính phủ tiền nhiệm và người thân của họ bị giam giữ tùy tiện và giết hại.

Bà Bachelet viện dẫn nhiều cáo buộc về việc lực lượng Taliban tiến hành lục soát từng nhà nhằm tìm kiếm các quan chức cụ thể trong chính phủ trước đây và những người từng hợp tác với các lực lượng và công ty của Hoa Kỳ. Bà nói rằng trong ba tuần qua, phụ nữ ngày càng bị loại trừ khỏi khu vực công, trái ngược với tuyên bố của Taliban là tôn trọng quyền phụ nữ.

Trùng hợp với hội nghị ở Geneva, người đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ (UNHCR), ông Filippo Grandi, đã có chuyến thăm không báo trước tới Kabul. Ông viết trên Twitter rằng sẽ đánh giá nhu cầu nhân đạo và tình hình của 3,5 triệu người Afghanistan phải di dời, trong đó có hơn 500.000 người phải di cư nội chỉ trong năm nay.

Các quan chức tại UNHCR đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều người Afghanistan có thể tị nạn sang các nước láng giềng Pakistan và Iran, cả hai đều đã có một số lượng lớn người Afghanistan chạy trốn khỏi đất nước của họ trong những thập kỷ chiến tranh vừa qua.

Cũng trong ngày thứ Hai, một máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan do Ngân hàng Thế giới thuê đã hạ cánh xuống sân bay của Kabul để sơ tán thêm người, theo Abullah Hafeez Khan, phát ngôn viên của hãng hàng không. Pakistan đã tạm dừng các chuyến bay thương mại đến Kabul vì lý do an ninh.

Vào thứ Năm tuần trước, ước tính có khoảng 200 người nước ngoài, bao gồm cả người Mỹ, đã rời Afghanistan trên chuyến bay của Qatar Airways rời Kabul với sự hợp tác của Taliban - chuyến xuất phát quy mô lớn đầu tiên kể từ khi lực lượng Mỹ hoàn thành cuộc rút quân vào ngày 30/8.

Hàng nghìn người Afghanistan vẫn tuyệt vọng tìm cách chạy trốn, lo sợ về những gì mà sự cai trị của Taliban có thể gây ra cho họ. Taliban đã nhiều lần cho biết người nước ngoài và người Afghanistan có giấy thông hành hợp lệ có thể rời đi. Nhưng sự đảm bảo của lực lượng này đã vấp phải sự hoài nghi và nhiều người Afghanistan đã không thể có được một số thủ tục giấy tờ nhất định.

Theo ctvnews
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).