Cần khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính:Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính:Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk dự cuộc làm việc tại các điểm cầu địa phương theo hình thức trực tuyến.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tình hình thiên tai, cho đến nay bão lũ năm 2021 tuy không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 19 người chết, mất tích. Mưa lũ làm 26 nhà bị sập, đổ; 1.657 ha lúa và 1.097 ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 03 tàu cá và 02 xà lan bị chìm; 26 km đường giao thông bị sạt lở với 154.650 m3 đất đá; hư hỏng 17 cống, 1 cầu giao thông...

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đã quyết liệt triển khai các giải pháp với mục đích lớn nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân, cùng với đó là bảo vệ tài sản của người dân và Nhà nước. Đến nay, tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa phương hạn chế, trong khi thiệt hại lớn.

Đặc biệt, qua đợt mưa lũ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lớn gây mức lũ gần mức lịch sử tại nhiều địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. “19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa”, Thủ tướng chia sẻ.

Cần khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc ảnh 1
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1659/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời thường xuyên gọi điện chỉ đạo trực tiếp các đồng chí lãnh đạo địa phương khi tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc, lăn lộn ngày đêm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp, các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác, đã cố gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể để ứng phó thiên tai, cứu giúp người dân và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng đề cập một số vấn đề cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Trước hết, trong bối cảnh vừa phải chống dịch COVID-19 vừa phải phòng chống thiên tai, đồng thời triển khai các công việc thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, xuyên suốt, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong việc vận hành các hồ chứa.

Cùng với đó, do thiên tai cực đoan, khó dự báo cho nên phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, tích cực, không lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng 4 tại chỗ. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ. Thủ tướng yêu cầu đánh giá thêm liệu có yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong đợt mưa lũ vừa qua không, nhất là trong thời điểm cuối mùa mưa lũ. Rà soát lại hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là các hồ chứa. Tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai; đề cao ý thức người dân…

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.

Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh. Các cấp ủy phải nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chính quyền tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, sát dân, MTTQ và các đoàn thể cùng vào cuộc.

Một nhiệm vụ khác là tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, vệ sinh, dọn dẹp môi trường, nhất là tại các trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải… Cùng với đó, khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở; khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập…; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại miền Trung, Nam bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống, ứng phó thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khả năng thích ứng, ứng phó, dự báo, cảnh báo lũ lụt, thiên tai, tránh tình trạng diễn tập suôn sẻ nhưng khi có sự cố xảy ra thì lúng túng. Hỗ trợ người dân về nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…

Thủ tướng nhấn mạnh, thiên tai ảnh hưởng tới mọi người cho nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác, cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong phòng chống, ứng phó thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Cần khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc ảnh 2
Thủ tướng chỉ đạo việc hỗ trợ các địa phương về gạo, tài chính… cần trên tinh thần tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế xử lý theo thẩm quyền và trình cấp thẩm quyền xử lý các đề xuất hỗ trợ của địa phương phù hợp quy định hiện hành và theo khả năng đáp ứng. Bộ Giao thông vận tải rà soát các tuyến đường trọng yếu, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải không bị tê liệt, vướng mắc. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tiêu độc, khử trùng và phòng chống hiệu quả dịch bệnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương rà soát lại trường học và trang thiết bị học tập, sớm đưa học sinh đi học trở lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xử lý vấn đề giống vật nuôi, cây trồng sau mưa lũ. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực khôi phục cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khôi phục cung ứng dịch vụ viễn thông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ kịp thời người dân và địa phương, Bộ Công an nắm chắc, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai, nhất là mưa lũ.

Thủ tướng chỉ đạo việc hỗ trợ các địa phương về gạo, tài chính… cần trên tinh thần tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.

“Đề nghị 8 địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân, tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn trong bối cảnh tình hình phức tạp, các bộ, ngành cùng chung tay với các địa phương, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Chính phủ
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.