Đây không phải là một màn diễn Haloween thông thường. Đây là một phần của cuộc biểu tình phản đối chính phủ được nhận định là lớn nhất trong nhiều tháng trở lại đây của Hàn Quốc. Hàng chục nghìn người đã xuống đường bày tỏ sự giận dữ trước một vụ bê bối chính trị mới nhất có liên quan đến nữ tổng thống đầu tiên của nước này.
Tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Park Geun-hye cũng tụt xuống mức kỷ lục 14% |
Những thông tin mới được giới truyền thông và wikileaks tiết lộ ám chỉ rằng Tổng thống Park Geun-hye đã để bạn thân của mình, một người hoàn toàn không có thẩm quyền, can thiệp vào việc quốc gia đại sự. Ảnh hưởng của bà Choi đối với nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc không chỉ xuất phát từ một tình bạn kéo dài bốn thế kỷ mà còn được cho là có màu sắc tôn giáo hắc ám, mê tín dị đoan.
Những người biểu tình giận dữ đặt câu hỏi: “Ai mới là Tổng thống đây?”. Tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Park Geun-hye cũng tụt xuống mức kỷ lục 14%. Bê bối có liên quan đến bà bạn thân không chỉ đẩy sự nghiệp chính trị của nữ tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới bên bờ vực, mà còn làm sụp đổ hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, quyền lực mà bà đã dày công gây dựng.
Một tình bạn khác lạ
Tình bạn giữa Tổng thống Park Geun-hye và bà Choi Soon-sil bắt đầu những năm 1970, khi nữ tổng thống tương lai mới ngoài 20 tuổi. Bà Park Geun-hye là con gái của cố tổng thống Park Chung-hee - nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sắt đá, quyết liệt và có phần tàn nhẫn của đất nước Hàn Quốc trong các thập niên 60 và 70.
Ở tuổi 22, bà Park mất mẹ trong một vụ ám sát hụt nhằm vào người cha tổng thống của mình. Đó là lúc xuất hiện Choi Tae-min, một người đàn ông tự nhận là “thiên sứ của Chúa”, có khả năng liên lạc với thế giới bên kia và hứa hẹn sẽ giúp Park Geun-hye “gọi hồn” người mẹ quá cố của mình.
“Mẹ của con chỉ là tới một thế giới khác để có thể phù hộ con trở thành một nhà lãnh đạo đích thực của đất nước và của thế giới. Bất cứ khi nào con muốn được nói chuyện với mẹ, con có thể làm điều đó thông qua ta”, ông Choi viết trong một lá thư gửi cho Park Geun-hye.
Ông Choi có một lý lịch tôn giáo phức tạp: Ban đầu tự xưng là Bồ tát tương lai, sau đó lại trở thành giáo sĩ Thiên chúa giáo La Mã, sau nữa sáng lập ra Giáo hội Vĩnh Sinh, một tổ chức bị coi là tà đạo. Tuy nhiên, lý lịch mập mờ này không gợi chút nghi ngờ nào trong cô gái trẻ đau khổ, người đang cần một chỗ dựa tinh thần để bấu víu. Cô Park Geun-hye đã mời “thầy pháp” Choi qua lại phủ Tổng thống, bắt đầu một mối quan hệ thâm tình với ông Choi và sau này là con gái ông, cô Choi Soon-sil.
Tận dụng mối quan hệ với con gái Tổng thống, Choi Tae-min nhanh chóng nâng cao địa vị xã hội và những lợi ích kinh tế của mình. Mối quan hệ này chủ yếu dựa trên lòng tin mù quáng của cô Park vào ông thầy pháp, và nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến triều đại Park Chung-hee diệt vong. Kim Jae-gyu, cựu giám đốc tình báo Hàn Quốc đồng thời là thủ phạm ám sát Tổng thống Park Chung-hee năm 1979, sau này cho biết một phần nguyên nhân ông làm điều này chính là bởi cố tổng thống đã không thể giữ con gái mình tránh khỏi vòng ảnh hưởng hắc ám, ma mị của ông thầy pháp.
Không còn cha, cô Park càng phụ thuộc hơn về mặt tinh thần vào Choi Tae-min, người mà giờ đây được cô coi như người cha thứ hai. Mối quan hệ bất bình thường đến nỗi hơn 10 năm sau, chính em trai và em gái ruột của bà Park phải viết một tâm thư 12 trang gửi đến Tổng thống đương nhiệm khi đó là ông Roh Tae-woo, cầu cứu ông “giải cứu” chị gái mình khỏi vòng mê hoặc của thầy pháp Choi.
Và chính quyền Roh Tae-woo cũng không coi nhẹ mối quan hệ này. Báo cáo của cơ quan tình báo quốc gia trong các năm 1989-1990 cho thấy chính phủ theo dõi chặt chẽ các hành vi của gia đình Choi Tae-min. Cuộc sống cá nhân, năm cuộc hôn nhân, hằng hà sa số vụ ngoại tình, những đứa con được cưng chiều nhất của ông trong đó có Choi Soon-sil, là những thông tin có trong hồ sơ về Choi của cơ quan tình báo.
Dư luận cho rằng vì quá thân thiết nên Tổng thống Park Geun-hye đã để bạn thân "nhúng tay" vào việc quốc gia đại sự |
Một bức điện tín của Đại sứ quán Mỹ tại Seoul gửi về Washington được Wikileaks đưa ra công chúng năm 2007 có đoạn viết: “Khắp nơi đồn đoán về việc ông giáo sĩ quá cố đã kiểm soát hoàn toàn thể chất cũng như linh hồn cô Park trong suốt những năm tháng trưởng thành, và con cái ông ta đã tích lũy được khối tài sản kếch xù nhờ vào mối quan hệ đó”. Khi Choi Tae-min qua đời năm 1994, các tờ báo địa phương đăng cáo phó trong đó miêu tả ông là “trợ lý thân cận nhất” của bà Park, người giám hộ tài sản và trang trải cuộc sống của bà.
Sau khi “thầy pháp” Choi Tae-min qua đời, sự lệ thuộc tinh thần của bà Park chuyển sang con gái ông - Soon-sil. Kể từ khi bà Park bước chân trở lại làng chính trị năm 1997 trong vai trò một nghị sĩ cho tới ngày hôm nay trong vai trò tổng thống, cái tên Choi Soon-sil được giới chính trị xì xào như là “cánh tay vô hình” dẫn dắt bà Park Geun-hye.
“Bà đồng” sau lưng Tổng thống
Những lời xì xào của chính giới không hẳn không có sở cứ. Trong những tuần vừa qua, giới truyền thông đã có những phát hiện cho thấy Tổng thống Park Geun-hye đã để bạn thân nhúng tay vào việc quốc gia đại sự. Kênh truyền hình JTBC tuyên bố đã tìm thấy một máy tính bảng được cho là của bà Choi, trong đó có những văn bản các bài phát biểu dự kiến của tổng thống. Bà Choi được cho là đã biên tập bài phát biểu quan trọng của Tổng tống tại nước Đức năm 2014, trong đó đặt ra tầm nhìn của bà về việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Bà Choi cũng được cho là đã thành lập nên nhóm Bát Tiên, một hội kín với 8 thành viên đóng vai trò cố vấn cho Tổng thống.
Dịp Haloween mới đây, đường phố Seoul xuất hiện dày đặc những con rối mang mặt nạ hình Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bà Choi Soon Sil |
Choi Soon-sil không đơn giản là một người bạn nhiệt tình quá mức. Cũng giống như ba mình, bà Choi đang dính nghi án tham ô và hưởng đặc quyền đặc lợi từ mối quan hệ với Tổng thống. Cơ quan công tố Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra việc bà Choi “dựa hơi” tổng thống để nhận các khoản quyên góp lên tới 70 triệu USD từ các nhà tài phiệt cho hai tổ chức phi lợi nhuận do bà này điều hành. Bà Choi cũng bị cáo buộc đã sử dụng tiền của hai tổ chức này vào các mục đích cá nhân.
Dư luận Hàn Quốc còn đặc biệt phẫn nộ về việc bà Choi đã dùng ảnh hưởng của mình để buộc trường Đại học Ewha, một trong những trường danh giá hàng đầu của Hàn Quốc, phải thay đổi các tiêu chí tuyển sinh để con gái của bà được trúng tuyển. Tại Hàn Quốc, một đất nước có tỉ lệ các vụ tự tử liên quan đến khoa cử cao hàng đầu thế giới, thì đây là một sự tha hóa khó có thể chấp nhận. Trong tuần qua, hiệu trưởng Đại học Ewha đã buộc phải từ chức sau khi các sinh viên biểu tình phản đối sự ưu ái đặc biệt giành cho ái nữ của bạn thân Tổng thống.
Trước cuộc khủng hoảng truyền thông mới nhất, Tổng thống Park đã buộc phải có bài phát biểu xin lỗi hiếm hoi được phát sóng truyền hình toàn quốc. Bà cũng sa thải toàn bộ 10 trợ lý cao cấp của mình. Bà Park khẳng định việc mình “nhở vả” bạn thân biên tập các tài liệu quốc gia là hoàn toàn vô tư, không vụ lợi. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ thuyết phục người dân Hàn Quốc về sự “vô tư, không vụ lợi” của một mối quan hệ lắm duyên nhiều nợ và có cả màu sắc mê tín như giữa hai bà Park-Choi. Người dân Hàn Quốc đang đặt ra câu hỏi, liệu Tổng thống của mình có đủ sự mạnh mẽ, tỉnh táo và độc lập để tiếp tục lãnh đạo đất nước?
Bản lĩnh người lãnh đạo
Chosun nhật báo, tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, bình luận rằng bê bối liên quan đến bà bạn thân đã đánh dấu “sự sụp đổ hoàn toàn năng lực điều hành chính phủ của tổng thống”. “Lựa chọn duy nhất của bà ấy là rút khỏi chính phủ, và đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu,” tờ báo này viết. “Rất nhiều người đã phải xấu hổ vì bà ấy. Giờ đây bà ấy cũng nên xấu hổ về mình”.
Báo chí Hàn Quốc nhận định, bê bối liên quan đến bạn thân đã đánh dấu “sự sụp đổ hoàn toàn năng lực điều hành chính phủ của tổng thống Hàn Quốc" |
Tờ Washington Post trích dẫn ý kiến của Giáo sư Shin Yoon đến từ trường Đại học Myongji danh tiếng của Hàn Quốc, cho rằng đất nước đang đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày lập quốc 70 năm về trước. Nguyên nhân, theo giáo sư Yoon, là do “Tổng thống đã mất đi năng lực làm nhà lãnh đạo”.
Một tập thể 32 giáo sư của trường Đại học Sunkyunkwan cũng có một tuyên bố chung, trong đó viết: “Chúng tôi xấu hổ khi sống trong xã hội này. Tổng thống hiện tại không có cả tâm và tầm để lãnh đạo đất nước”.
Về phía chính giới, một số nghị sĩ, kể cả những nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Saenuri của bà Park, cũng bày tỏ sự lo ngại về việc Tổng thống đã rơi vào vòng ảnh hưởng của một giáo phái tà đạo. Một nghị sĩ đã tuyên bố rằng đất nước đang được lãnh đạo bởi “chủ nghĩa thần quyền đáng sợ”, ám chỉ “bà đồng" Choi chứ không phải tổng thống Park đang ngồi ở vị trí mẫu nghi thiên hạ.
Có vẻ nhưng dư luận Hàn Quốc, đặc biệt là giới trí thức, đã mất niềm tin vào năng lực và đầu óc tỉnh táo của Tổng thống Park, một người mà họ từng kỳ vọng sẽ được thừa hưởng sự mạnh mẽ quyết đoán của cha mình để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn kinh tế. Họ có quyền nghi ngờ bởi những thay đổi tích cực cho đất nước khó có thể đến từ một nhà lãnh đạo có tiếng là mê tín dị đoan, thiên vị người nhà, và để người khác chi phối các quyết định của mình, từ bộ trang phục mặc trên người cho tới bài diễn văn phát biểu trước công chúng.
Trong đoàn người biểu tình Hàn Quốc tuần qua, những biểu ngữ xuất hiện nhiều nhất là “Đây mà lại là một đất nước sao?” và “Chúng ta không thể nuôi dạy con cái tại một đất nước thế này!”.