Nếu các ông vua bà hoàng của các hoàng gia châu Âu hiện đại thường xuyên trở thành đối tượng châm biếm chế nhạo, thì vua Bhumibol là một tượng đài bất khả xâm phạm, là phật sống đối với người dân Thái Lan. Với họ, việc bày tỏ sự tôn sùng đối với nhà vua cũng đã trở thành một điều tự nhiên và tất yếu như cơm ăn nước uống hàng ngày.
Lựa chọn của lịch sử
Bhumibol Adulyadeh không được đặt lên ngai vàng từ trong trứng nước. Trước Bhumibol, vương quốc Siam đã trải qua hàng thế kỷ dưới chế độ quân chủ chuyên chế, khi đất nước không có hiến pháp và mọi quyền lực đều tập trung vào tay quân vương. Nhưng một cuộc cách mạng không đổ máu năm 1932 đã chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, lấy đi phần lớn thực quyền của nhà vua, mang lại cho người dân một bản hiến pháp. Thời kỳ quân chủ lập hiến được mở ra.
Năm 1946, vua Ananda băng hà một cách bí hiểm trong phòng ngủ với một viên đạn trên trán, trong một sự vụ mà các nhà điều tra đánh giá không phải tai nạn cũng chẳng phải một vụ tự sát.
Khoảng trống vương quyền được lấp đầy bởi người em trai 18 tuổi của ông, vua Bhumibol Adulyadej. Không giống như trường hợp của người anh đoản mệnh, triều đại của vua Bhumibol là một triều đại kéo dài đến 70 năm, vượt qua bao nhiêu thăng trầm cùng đất nước. Cho đến thời điểm trước khi qua đời, vua Bhumibol vẫn là vị quân vương có thời gian cai trị dài nhất của thế giới.
Khi trở về gặp tổ tiên vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, vua Bhumibol Adulyadej đã có thể tự hào rằng mình đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đối với hoàng gia. Không còn được hưởng quyền lực tuyệt đối, nhưng Hoàng gia Thái Lan dưới triều đại Bhumibol đã nắm trong tay thứ quyền lực mềm ít hoàng gia nào khác dưới chế độ quân chủ lập hiến có được. Đó là thứ quyền lực có được từ lòng kính yêu, từ chủ nghĩa tôn sùng cá nhân được gây dựng và bồi đắp rất hiệu quả xung quanh nhà vua.
Người nước ngoài khi đến Thái Lan thường không khỏi tự hỏi rằng điều gì đã làm nên lòng kính hiếu đặc biệt ấy?
Lãnh tụ tôn giáo
Phật giáo đóng một vai trò trung tâm trong đời sống tinh thần của người dân Thái Lan. Dù được sinh ra, lớn lên và hưởng nền giáo dục của các xã hội phương Tây, nhưng nhà vua trẻ Bhumibol Adulyadeh hiểu rằng con đường đến trái tim của người dân Thái Lan cần được soi rọi bằng ánh sáng của Phật giáo.
Nhà vua trẻ chọn Phật giáo làm "cầu nối" gắn kết người dân Thái Lan |
Ở tuổi 29, nhà vua rời cung điện hoàng gia để bắt đầu của một nhà tu hành theo trường phái Phật giáo Nam tông, tôn giáo của gần 95% người dân Thái Lan. Giống như những nhà sư khác tại Thái Lan, vua Bhumibol khoác lên người tấm áo tu hành, ngày ngày dậy sớm trước lúc bình minh và bước đi khắp các đường phố Bangkok trên đôi chân trần để khất thực. Nghi thức khất thực giản đơn này đã đưa ông tới gần những người bình dân, điều mà cuộc sống xa hoa biệt lập nơi cung cấm không thế mang tới. Tiếp xúc với người dân, nhà vua thấy được những khó khăn mà họ phải đối mặt hàng ngày. Trải nghiệm xin ăn trên đường phố đã mang lại cho nhà vui những bài học quý giá để ông thực hiện nhiệm vụ tự đặt ra cho bản thân: đó là cải thiện đời sống con người.
Người dân Thái Lan luôn tưởng nhớ về vua Bhumibol với hình ảnh là một Phật tử mộ đạo và một nhà vua thông tháí |
Sau thời gian tu hành, nhà vua đã nỗ lực áp dụng Phật pháp trong đời sống và công việc hàng ngày. Ông thường xuyên có mặt tại các buổi lễ lớn, gồm có nghi lễ thay áo cho Tượng Phật Ngọc để đánh dấu sự chuyển mùa cho năm. Trong những năm đặc biệt, ông đi dọc con sông Chao Phraya để tặng áo cho các nhà sư. Trước công chúng, nhà vua có thể thuyết giảng về Phật pháp và tầm chương trích cú kinh thư nhà Phật với một sự am hiểu sâu sắc.
Nhà vua đã gây dựng lên chỉ hình ảnh về một Phật tử mộ đạo, mà còn là một nhà thông thái với những lời khuyên giá trị trong cuộc sống.
Các dự án dân sinh
Ngay từ những ngày đầu trị vì, vua Bhumibol đã có rất nhiều chuyến thăm tới các vùng nông thôn nghèo trên khắp đất nước Thái Lan. Ông ưu tiên tới những khu vực kém phát triển nhất để quan sát cuộc sống người dân. Hình ảnh một ông vua bình dị, ngồi bệt dưới đất trò chuyện với thần dân đã nhanh chóng trở thành một hình ảnh làm lay động người Thái.
Từ những chuyến đi của mình, nhà vua lập ra những kế hoạch và dự án cải thiện dân sinh. Với sự ủng hộ của giới quý tộc và sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, một đất nước coi Thái Lan là đồng minh bền vững trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vua Bhumibol đã hiện thực hóa các dự án và khẳng định vai trò của mình là Phật sống của người nghèo.
Hết lòng thực hiện các dự án dân sinh, vua Bhumibol đã trở thành Phật sống của người nghèo |
Hơn 3.000 dự án phát triển được triển khai trong suốt triều đại Bhumibol không đơn thuần là những dự án từ thiện làm màu, đó là những công trình nghiên cứu nghiêm túc có tham vấn kỹ càng với người dân và mang đến những đổi thay hiệu quả trong cuộc sống của họ. Có thể kể đến những dự án như nghiên cứu và triển khai công nghệ làm mưa nhân tạo để chống hạn hán, dự án nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho người vùng cao, dự án chế tạo công cụ làm sạch nước sinh hoạt, dự án năng lượng sạch, dự án đập nước nhỏ liên hoàn điều tiết thủy lợi. Nhà vua cũng lập ra 6 trung tâm nghiên cứu phát triển trên khắp đất nước, có nhiệm vụ nghiên cứu các chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương.
Thấm nhuần tinh thần Phật giáo, từ những năm 1970, vua Bhumibol đã ấp ủ và truyền bá tới người dân triết lý về một Nền Kinh Tế Vừa Đủ. Triết lý Nền Kinh Tế Vừa Đủ dựa trên ba nguyên tắc Điều độ, Hợp lý và Tự miễn, khuyến khích con người sống một đời sống hòa hợp với tự nhiên, thoải mái mà không xa hoa và có ý thức trách nhiệm với xã hội. Đây cũng chính là triết lý phát triển bền vững đã nổi lên và được nói đến khắp nơi trên thế giới trong thời gian gần đây.
Tài năng và sức hút
Vua Bhimibol Adulyadej bẩm sinh là người có hình thức và phong thái dễ gây thiện cảm. Ngoài sức hút từ sự thân thiện, bình dân, ông còn có những tài lẻ khiến người phải phải ngưỡng mộ.
Tài năng của vua Bhumibol khiến ai ai cũng phải ngưỡng mộ và nuối tiếc khi ông ra đi |
Những năm tháng tuổi trẻ, nhà vua đã thể hiện là một nhạc công saxophone tài ba đã từng song tấu với huyền thoại nhạc jazz của thế giới Benny Goldman, một nhạc sĩ với những nhạc phẩm được phát hành trên đĩa, một tay đua thuyển với huy chương vàng Đông Nam Á, và một nhà nhiếp ảnh với máy ảnh luôn thường trực trong tay.
Ở tuổi xế chiều, vua Bhumibol lại thể hiện tài năng và sự thông thái trong những tác phẩm văn học ngụ ngôn về chú chó yêu thích nhất của ông. Tại Thái Lan, những ấn phẩm này bán chạy còn hơn cả Harry Potter.
Những bước đi chính trị
Bằng tôn giáo, các dự án phát triển và sức hút cá nhân, vua Bhumibol Adulyadej đã từng bước khôi phục quyền lực hoàng gia - không còn là thứ quyền lực tuyệt đối trong quá khứ nhưng là một thứ quyền lực mềm có được nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Dù chính trị có nhiều sóng gió, đảo chính nhưng ông không can thiệp quá sâu cũng không quay mặt làm ngơ trước những biến động chính trị |
Nhưng người dân không phải chỗ dựa duy nhất của nhà vua. Quyền lực hoàng gia còn được bảo toàn nhờ những bước đi chính trị khôn ngoan, biết tiến biết thoái trong một nền chính trị đầy sóng gió. Trong suốt thời gian vua Bhumibol trị vì, Thái Lan trải qua nhiều cuộc đảo chính hơn hầu hết những nước khác. Vua Bhumibol ứng xử khác nhau với mỗi lần biến động chính trị. Có những cuộc đảo chính nhận được sự đồng thuận trong im lặng, có những sự vụ bị lôi ra chỉ trích trước công chúng với mọi uy quyền của quân vương. Nhà vua đóng vai một người đi trên dây, không can thiệp quá sâu nhưng cũng không quay mặt làm ngơ trước những biến động chính trị. Thái độ của nhà vua trở thành một thứ kim chỉ nam cho thái độ của người dân. Chính điều này khiến các lực lượng chính trị không thể coi nhẹ quyền lực hoàng gia, và sóng gió càng khiến cho hình ảnh nhà vua trong người dân càng giống như một trụ cột tinh thần, một trụ cột của niềm tin và sự ổn định.
Lese Majeste - Luật chống khi quân phạm thượng
Dù vua Bhumibol Adulyadej đã đóng vai thánh nhân một cách khá hoàn hảo, nhưng cuộc đời làm vua của ông không phải không có những điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, việc đặt ra bất kỳ nghi vấn nào về nhà vua cũng có thể trở thành trọng tội tại Thái Lan, với luật Lese Majeste chống khi quân phạm thượng được áp dụng với những hình phạt nghiêm khắc lên tới 15 năm.
Sự bất khả xâm phạm của vua Bhumibol trong luật pháp và truyền thông góp phần tạo ra hình tượng bất khả xâm phạm của nhà vua trong lòng người dân |
Luật Lese Majeste bảo vệ nhà vua, hoàng hậu và thái tử trước bất cứ lời chỉ trích nào. Chính luật này đã cho phép Thái tử Maha Vajiralongkorn được phần thắng trong vụ kiện ly hôn với người vợ đầu, do vương phi không được phép nói đến những sai sót của Thái tử trong cuộc hôn nhân. Có những người dân thậm chí đã phải ra tòa do có lời nói không hay về chó mèo của nhà vua.
Luật Lese Majeste cũng chính là lý do khiến người dân không bao giờ được tiếp cận với những thông tin bất lợi cho hình ảnh của nhà vua. Chính luật này cùng với bộ máy báo chí truyền thông ngày ngày tích cực tuyên truyền về hình ảnh và thành tựu của hoàng gia khiến thông tin về nhà vua đến với người dân chỉ là thông tin tích cực một chiều. Sự bất khả xâm phạm của vua Bhumibol trong luật pháp và truyền thông góp phần tạo ra hình tượng bất khả xâm phạm của nhà vua trong lòng người dân.
Hoàng gia Thái Lan hậu Adulyadeh
Quyền lực mềm của Hoàng gia Thái Lan trong thời lập hiến đã được xây dựng xung quanh một nhân vật duy nhất: vua Bhumibol Adulyadej. Sự qua đời của nhà vua đang để lại những khoảng trống nan giải trong nền chính trị Thái Lan, và đe dọa đến sự bền vững của hoàng gia nước này.
Hoàng gia Thái Lan còn nhiều điều đáng bàn, đặc biệt là trong nền kinh tế của gia đình này. Theo ước tính của Forbes, hoàng gia Thái Lan là hoàng gia giàu có nhất thế giới, với giá trị tài sản lên tới hơn 30 tỷ USD và sở hữu một lượng cổ phần rất lớn trong các công ty, tập đoàn lớn của đất nước. Vấn đề này không sớm thì muộn cũng sẽ được đặt ra, nếu những người kế thừa ngôi vị không giành được sự tôn sùng của người dân như vua Bhumibol đã có được.
Người dân Thái Lan kính cẩn vái lạy trong ngày vua Bhumibol qua đời |
Bhumibol Adulyadej tài giỏi việc nước, nhưng có vẻ như thiếu sáng suốt trong việc lựa chọn người kế vị. Khác với cha mình, thái tử Maha Vajiralongkorn có phần không được lòng công chúng do tai tiếng thay vợ như thay áo và lối sống phóng túng, xa hoa, thậm trí ngạo mạn. Ông cũng thể hiện sự thiếu gắn kết với đất nước khi giành phần lớn thời gian của mình sống ở châu Âu.
Bhumibol Adulyadej không sinh ra để làm vua. Ông là một lựa chọn của lịch sử và lịch sử đã chứng minh đây là một lựa chọn đúng đắn. Và tương lai của hoàng gia Thái Lan, trong một thời gian không xa có lẽ cũng sẽ được lịch sử trả lời.