Đây là nội dung trong Nghị định số 23/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4 vừa được ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính giải thích cặn kẽ hơn.
Theo ông, nghị định trên nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định. Mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu có thể được thỏa thuận thêm tại hợp đồng bảo hiểm.
Trả lời cho câu hỏi, nếu cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ không mua bảo hiểm bắt buộc thì sẽ bị xử phạt ra sao, đại diện Bộ Tài chính cho biết, những đối tương này có thể sẽ bị phạt với cá nhân từ 30-50 triệu đồng và 60 -100 triệu đồng đối với tổ chức.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, theo ông, các đơn vị này có thể bị phạt tiền từ 40–50 triệu đồng khi từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng lưu ý, doanh nghiệp có quyền từ chối bán bảo hiểm nếu cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật. Trường hợp khác là cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Điều 4 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị, các loại hàng hóa, vật tư.