Chuyến thăm Triều Tiên nhiều quy tắc của phóng viên Mỹ

(Ngày Nay) - Du khách đến Triều Tiên cần tuân thủ nhiều quy tắc, như không đút tay túi quần khi thăm đài tưởng niệm hay tự ý rời khách sạn.
    Craig S. Smith và nữ hướng dẫn viên tại Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: NYTimes
    Craig S. Smith và nữ hướng dẫn viên tại Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: NYTimes

    Cái chết của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ từng bị Triều Tiên giam giữ, đã khiến Craig S. Smith, phóng viên của NYTimes nhớ về chuyến du lịch Triều Tiên cùng con trai, True, vào năm 2015.

    Chuyến đi có khởi đầu không suôn sẻ. Vài giờ trước khi Smith rời Hong Kong, ông để quên hộ chiếu trong quần áo ở máy giặt. Hộ chiếu bị cong và vẫn còn ẩm khi họ đến sân bay Trung Quốc đại lục để bay sang Triều Tiên. Một nhân viên xuất cảnh Trung Quốc ngửi hộ chiếu của Smith và hỏi ý kiến cấp trên trước khi cho phép anh đi qua. Nhân viên nhập cảnh Triều Tiên có vẻ ít nghi ngờ hơn, mặc dù hộ chiếu của Smith trông như bị làm giả.

    Hướng dẫn viên Triều Tiên đã gặp Smith và con trai tại sân bay. Đó là một cô gái hoạt bát mang theo một chiếc túi hàng hiệu và một người đàn ông lầm lì mặc vest, ông này rõ ràng có mặt chỉ để lắng nghe và quan sát.

    Hướng dẫn viên yêu cầu bố con Smith không chụp ảnh các địa điểm xây dựng, vật thể quân sự hoặc binh lính, quy định khó thực hiện tại quốc gia cứ 100 người thì có 5 người mặc quân phục. Họ cũng yêu cầu nhà Smith rằng khi chụp ảnh tượng hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, họ phải chú ý không để bức tượng bị mất đầu hay mất chân trong khung hình.

    Bố con Smith được đưa thẳng từ sân bay đến đài tưởng niệm có những bức tượng đồ sộ của các tướng Triều Tiên tại đồi Mansu ở trung tâm thành phố. "Họ cảnh báo chúng tôi không được nhai kẹo cao su hoặc đút tay túi quần. Chúng tôi được hướng dẫn mua hoa từ một ki ốt, cúi đầu trước các bức tượng và đặt hoa dưới chân tượng", Smith kể.

    Smith và con trai sau đó được đưa đến khách sạn gần sông Taedong, chính là nơi Otto Warmbier từng ở trong hành trình định mệnh của mình. Họ được yêu cầu không tự ý đi ra khỏi cổng khách sạn. "Vào đêm đầu tiên chúng tôi ở Triều Tiên, nữ hướng dẫn viên yêu cầu chúng tôi hứa rằng sẽ không tự ý rời khỏi đây", Smith kể.

    Bố con Smith đã làm theo yêu cầu của họ. Họ dành cả buổi tối trong các phòng giải trí dưới lòng đất, chơi bowling và blackjack trong sòng bạc do người Trung Quốc vận hành.

    Hai người được đi tham quan khá nhiều nơi, từ các ngọn núi phía bắc cho đến khu phi quân sự ở phía nam. "Mặc dù chúng tôi bị cấm chụp ảnh khi đi từ thành phố này sang thành phố khác, tôi vẫn bí mật chụp. Vùng nông thôn trông giống như rất nhiều nơi ở Bắc Á với những chiếc xe bò và vài chiếc xe cơ giới. Điều ấn tượng nhất là các thôn làng rất sạch sẽ, gọn gàng. Mọi mảnh đất canh tác, thậm chí cả sườn đồi dốc, đều được cày cấy và gieo trồng", Smith viết.

    "Tôi biết rằng trên quãng đường đó, chúng tôi chỉ cách khu phức hợp hạt nhân Yongbyon khoảng 16 km và cách trại lao động số 14 khoảng 40 km. Mọi yêu cầu dừng lại để xem cuộc sống của người dân Triều Tiên, thậm chí cả các cửa hàng ở thành phố, đều bị từ chối".

    Trên đường đi, các hướng dẫn viên liên tục hỏi về công việc của Smith. Trong đơn xin thị thực, Smith khai rằng ông quản lý một công ty dịch thuật ở Bắc Kinh. Đó là sự thật, chỉ có điều Smith không nói rõ ông là giám đốc điều hành trang tiếng Trung của New York Times, phụ trách dịch các bài báo từ tiếng Anh sang tiếng Trung.

    "Hướng dẫn viên liên tục nói rằng có nhiều gián điệp ở Triều Tiên. Tôi nhận ra chuyến đi này không phải là một trò chơi mà tôi cùng với con trai nên tham gia", Smith kể lại suy nghĩ lúc đó.

    Vào ngày cuối cùng, con trai Smith hỏi liệu họ có thể đến xem lại tượng các vị tướng hay không. Hướng dẫn viên có vẻ bối rối, thậm chí bực bội, nhưng vẫn chấp nhận.

    "Khi chúng tôi đến nơi, hướng dẫn viên nam hỏi tôi: 'Vì sao anh muốn đến xem lại tượng đài các tướng?'. Tôi giải thích rằng vì chúng tôi đã bắt đầu chuyến đi tại đó nên con trai tôi muốn kết thúc ở cùng một địa điểm. Anh ta im lặng cho đến khi chúng tôi đến gần một tòa nhà", Smith kể.

    Tại đây, hướng dẫn viên yêu cầu Smith viết lý do ra giấy để mang vào bên trong tòa nhà gặp người phụ trách. Một người đàn ông bước ra khỏi tòa nhà và trao đổi với hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên lại yêu cầu Smith nói với anh ta lý do một lần nữa để anh ta vào trong giải thích. Smith lặp lại những gì đã nói rồi theo anh ta tòa nhà.

    "Không có cuốn sổ lưu niệm nào ở bên trong, chỉ có một nhóm người mặc quân phục. Họ có vẻ khó chịu khi thấy tôi vào trong và ra hiệu cho tôi ra ngoài. Một lúc sau, hướng dẫn viên của tôi xuất hiện và nói rằng họ chấp nhận".

    "Lúc đó tôi nhận ra rằng chúng tôi đã bị nghi ngờ. Khi thấy những gì đã xảy ra với Warmbier và nhìn lại chuyến đi của tôi, tôi thấy nó thật rủi ro. Những điều không rõ ràng về danh tính của tôi, hộ chiếu ướt của tôi và những bức ảnh tôi bí mật chụp, một số ảnh chụp tượng Kim Nhật Thành bị mất đầu, có thể dễ dàng được sử dụng như bằng chứng cho thấy tôi có ý đồ bất chính", Smith viết.

    Trên máy bay trở lại Trung Quốc, Smith đọc báo Pyongyang Daily phiên bản tiếng Anh. "Những cuộc tấn công hạt nhân sẽ chấm dứt căng thẳng Mỹ - Triều" là một dòng tít trên báo. "Triều Tiên sẽ lên thời gian biểu cho cuộc chiến tranh lớn", bài báo có đoạn viết.

    "Rất nhiều người nói tôi ngu ngốc khi đến Triều Tiên. Nhưng chúng ta rất dễ đánh giá thấp nguy cơ của một nơi như Triều Tiên", Smith viết. "Warmbier đã ngây thơ, tôi cũng vậy".

    Theo Vnexpress
    Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
    Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
    Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
    Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
    Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
    Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
    WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
    WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
    Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
    Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
    Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
    Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
    Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
    Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
    (Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
    Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
    Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
    (Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
    Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
    Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
    (Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.