Sau gần ba giờ điều trần ở Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 3/5, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hé lộ thông tin giải thích cho quyết định của ông về việc công bố tiến trình điều tra bê bối sử dụng email cá nhân của Hillary Clinton vào tháng 7/2016 và vào cuối tháng 10/2016, khi chỉ còn 11 ngày là bầu cử tổng thống Mỹ. Hành động này của Comey được cho là đã tác động nặng nề đến uy tín của Clinton. Bà, các quan chức cốt cán trong đảng Dân chủ và nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này đã dâng chiến thắng cho đối thủ Donald Trump.
Lý do mà Comey nêu ra là: Bill Clinton đã lên máy bay của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch để gặp riêng vào cuối tháng 6/2016, khi hai máy bay của họ đỗ trên một đường băng ở sân bay quốc tế Phoenix Sky Habor, bang Arizona.
"Tôi không muốn chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch - người mà tôi rất quý mến, nhưng cuộc gặp của bà ấy với cựu tổng thống Bill Clinton trên máy bay là một hành động đáng lo ngại với tôi. Tôi cho rằng nếu Bộ Tư pháp đưa ra kết luận về vụ việc của bà Clinton, mọi người sẽ cho rằng quyết định đó không đáng tin cậy".
Vì vậy, Comey đã không bàn bạc với Bộ Tư pháp Mỹ mà tự thông báo rằng tuy hành động của bà Clinton là rất bất cẩn, bà không bị buộc tội về vấn đề này. Đây được cho là lần đầu tiên FBI tiết lộ công khai khuyến nghị của mình với Bộ Tư pháp Mỹ.
Phản ứng dây chuyền
Theo giải thích của Comey, thông báo vào tháng 7 buộc ông phải công bố diễn biến mới vào tháng 10/2016, khi có thêm nhiều email đáng ngờ của Clinton được phát hiện trên một chiếc laptop mà nữ trợ lý từng sử dụng.
"Chúng tôi đã thông báo điều tra rồi liên tiếp ra điều trần. Sẽ là một sự giấu giếm thảm họa nếu không công bố điều tra Clinton vào ngày 28/10 khi phát hiện các email mới", Comey nói.
Cây bút Dana Milbank của Washington Post nhận định đây là phản ứng dây chuyền: nếu Bill Clinton không lên máy bay của Loretta Lynch hồi tháng 6/2016, Comey có lẽ sẽ không đưa ra tuyên bố vào tháng 7. Nếu vậy, ông sẽ không cảm thấy buộc phải công bố điều tra một lần nữa vào tháng 10/2016.
Những phát biểu của Comey tại cuộc điều trần là lời giải thích đầy đủ nhất cho quyết định của ông khi công bố tái điều tra Hillary Clinton ngay trước thềm ngày bầu cử tổng thống, quyết định nhiều nhà phân tích cho là mở ra chiến thắng cho Donald Trump.
Dana Milbank cho rằng đó không phải là những lời giải thích thuyết phục nhưng với tính cách ngay thẳng và công bằng của Comey thì lý do đó có thể chân thật. Comey đã đưa ra một quyết định tai họa khi công bố điều tra Clinton vào thời điểm nhạy cảm nhưng lý do ông nêu ra không phải không có lý: hành động không khéo léo của Bill Clinton đã tạo ra khoảng trống tín nhiệm. Comey, người tự cho mình có vai trò bảo vệ hệ thống tư pháp, đã vào cuộc để lấp khoảng trống này.
'Phát ốm'
Comey nói rằng ông đã phát ốm trước những chỉ trích về vai trò của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông nói với các thượng nghị sĩ tại cuộc điều trần: "Chuyện này thật kinh khủng. Nó khiến tôi gần như phát ốm khi nghĩ rằng chúng tôi có thể đã tác động đến cuộc bầu cử".
Giám đốc FBI khẳng định ông chỉ có hai sự lựa chọn vào ngày 28/10, hoặc là công bố hoặc là che giấu quyết định tái điều tra Clinton. Theo cây bút Milbank, ông đã bỏ qua sự lựa chọn thứ ba, đó là để các nhân viên của ông tìm hiểu xem có thông tin gì đáng giá trị trong các email mới phát hiện của Clinton trước khi công bố. Thực tế, kết quả điều tra sau này cho thấy các email của Clinton không có thông tin nhạy cảm nào để có thể khép tội bà.
Quyết định vào tháng 10 của ông từng được tổng thống Mỹ Trump ca ngợi, nhưng ông Trump hôm qua đã sa thải ông Comey, cho rằng ông Comey "không đủ khả năng lãnh đạo FBI một cách hiệu quả".
Trong bức thư đề nghị sa thải Comey, Thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein chỉ trích việc ông Comey lên tiếng về bê bối của bà Clinton hồi tháng 7. Ông nói rằng ông Comey lẽ ra phải để cho Bộ Tư pháp quyết định công bố điều gì với công chúng.
Trước khi bị sa thải, ông Comey đã thể hiện rằng ông không hối tiếc vì những điều đã làm. Ông nói tại phiên điều trần rằng: "Tôi cho rằng tôi đã làm điều đúng. Tôi không có ý ngạo mạn nhưng câu trả lời thành thật là nếu có cơ hội làm lại, tôi cũng sẽ không làm bất cứ điều gì khác".