Đã có những tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) đang dần tìm được điểm cân bằng trong ngắn hạn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giai đoạn khó khăn nhất của TTCK Việt Nam đã qua khi mà kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục có những cải thiện đáng kể và kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) niêm yết đều ghi nhận sự khởi sắc.
Giai đoạn vừa qua, TTCK chịu tác động tâm lý rất đáng kể từ những căng thẳng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu và kéo theo đó là vấn đề giá dầu giảm. Khủng hoảng chính trị tại châu Âu đã khiến nền kinh tế Nga chịu những tác động rất tiêu cực, đồng rúp giảm khoảng 40% so USD kể từ tháng 6-2014. Với TTCK Việt Nam, việc kinh tế Nga suy yếu dẫn đến những lo lắng về sự tiêu cực hơn của tình hình TTCK thế giới, và sát sườn hơn là những lo lắng dành cho các doanh nghiệp (DN) và ngành nghề xuất khẩu liên quan trực tiếp đến thị trường Nga. Song trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, 1,1% tổng kim ngạch cả nước. Tính đến hết tháng 11-2014, Việt Nam xuất siêu sang Nga khoảng 0,8 tỷ USD, giảm 21,3% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu 11 tháng năm 2014 giảm 11,1%, còn 1,6 tỷ USD do đồng rúp rớt giá. Ngoài ra, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Nga chín tháng giảm, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại kỷ lục hai tỷ USD, tăng 162%, chứng tỏ, sự kiện đồng rúp mất giá không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại chung cả nước.
Sự sụt giảm khá sâu của giá dầu đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của đại bộ phận NĐT, thể hiện rất rõ khi nhóm cổ phiếu dầu khí giảm giá mạnh nhất. Diễn biến giá dầu sẽ vẫn phức tạp và khó dự đoán trong thời gian tới, nhưng tâm lý tiêu cực từ yếu tố này sẽ không còn quá đậm, do những vấn đề khá đặc thù của Việt Nam trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, giá dầu giảm có thể ảnh hưởng không quá đáng kể đến kết quả kinh doanh của phần lớn DN trong ngành. Tính đến hết chín tháng của năm 2014, phần lớn DN trong ngành đã hoàn thành rất tốt kế hoạch kinh doanh đề ra, một số DN vượt kế hoạch như: GAS, PVD, PVS, PXS… Một vài DN đã chốt các hợp đồng kinh tế lớn đến hết năm 2015.
Lực cầu bắt đáy hoạt động tương đối mạnh tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư về đà hồi phục của thị trường. |
Về ảnh hưởng của khối NĐT nước ngoài, tính từ tháng 7-2014 đến nay, các NĐT nước ngoài đã bán ròng khá mạnh tay, hơn 4.000 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE. Rõ ràng, hành động bán ra khá mạnh trong ngắn hạn của khối ngoại đã ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền của TTCK, đặc biệt khi tâm lý nói chung của nhóm NĐT trong nước đang yếu. Dù vậy, tính đến hiện tại, cường độ bán ròng của khối NĐT nước ngoài đang dần được tiết chế và đã có ít nhất vài phiên gần đây, khối này mua ròng trở lại với giá trị tương đối cao. Dựa trên yếu tố chu kỳ ở các năm trước, giai đoạn các tháng đầu của năm 2015, nhiều khả năng khối NĐT nước ngoài sẽ sớm quay lại với trạng thái mua ròng hoặc chí ít cũng thực hiện những giao dịch tương đối cân bằng.
Hoạt động IPO trong tháng 12-2014 cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy yếu của dòng tiền trên thị trường niêm yết. Các đợt IPO trong tháng 12 diễn ra với tần suất dày đặc. Tính riêng trong tháng 12, có đến 17 DN tiến hành IPO, hút ròng một lượng tiền tương đương 5.000 tỷ đồng. Vấn đề IPO dù vậy được đánh giá chỉ là tác động mang tính thời điểm và khi thị trường kết thúc tháng 12, áp lực này sẽ được giải tỏa.
Cuối cùng là sức ép đến từ hoạt động giải chấp. Dù không có những thống kê đầy đủ về tình hình bán giải chấp ở các CTCK, không quá khó để nhận ra thị trường thời gian qua đã xuất hiện thường xuyên các hoạt động bán giải chấp khi mà rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu nhóm dầu khí giảm 40 - 50%. Dù hiện tượng bán giải chấp có thể vẫn tiếp diễn nếu thị trường suy yếu trở lại, nhưng cường độ giải chấp sẽ không thể ở mức cao như thời gian trước đây.
Dẫu vậy, trở ngại lớn nhất ở thời điểm hiện nay là yếu tố dòng tiền. Sẽ không thể kỳ vọng có sự hồi phục “ngay lập tức” về mức hoạt động của dòng tiền trên thị trường niêm yết khi mà các NĐT nước ngoài vẫn còn duy trì bán ròng, dù cường độ đã yếu hơn, và các yếu tố ủng hộ dòng tiền trong nước mở rộng cũng không thể nhanh chóng hiện thực hóa.
>>> Xem thêm
1. Dự đoán giá vàng tuần tới 29/12 - 4/1: Giá vàng có thể giảm mạnh vào đầu tuần
2. Giá vàng hôm nay 27/12: Giá vàng tiếp tục tăng nhẹ
3. Ba đồng tiền mất giá nhiều nhất năm 2014
Hợp tác cùng ấn phẩm Thời nay