Ngày 3/10, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện và điều trị tại BV đã giảm 50%. Hiện mỗi ngày, BV chỉ tiếp nhận hơn 20 ca bị SXH phải nhập viện điều trị. BV cũng tháo dỡ bảng “BV dã chiến” về SXH, không phải trưng dụng phòng của bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân.
Còn theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn Hà Nội đã có 31.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trong đó 7 trường hợp tử vong. Hiện còn 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các BV.
Cũng theo ông Hạnh, dịch SXH ở Hà Nội đang có xu hướng giảm về số ca mắc và số ca nhập viện. Cụ thể, từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, Hà Nội có 1.228 trường hợp (giảm 376 trường hợp so với tuần trước). Hiện toàn thành phố chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động.
Trước đó, từ tháng 5/2017, số ca bị SXH tại Hà Nội và một số địa phương không ngừng tăng lên. Các BV đều quá tải do số người nhập viện quá đông. Thậm chí, các BV không còn giường bệnh, phải bố trí cả hành lang, hội trường, phòng bác sĩ để có chỗ cho bệnh nhân nằm.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, như phun hóa chất trên diện rộng; thành lập các đội xung kịch diệt bọ gậy; thành lập đội giám sát đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền... Nhờ đó, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm.
Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng, dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong 7 tuần gần đây nhưng với diễn biến thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Vì vậy, Hà Nội và người dân cần phải tiếp tục biện pháp phòng, chống dịch như thời gian qua.
Thống kê của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận 137.997 trường hợp mắc, 30 tử vong. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, dịch SXH tạm thời đã được khống chế. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết như hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều thì nguy cơ dịch SXH bùng phát có thể xảy ra.
Cũng theo ông Phu, bệnh SXH đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, diệt loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Theo Phụ nữ Việt Nam