BBC đưa tin ngày 8/7, theo một số nguồn tin, một loạt các nhà máy hạt nhân đã trở thành mục tiêu, trong đó có cơ sở hạt nhân Wolf Creek tại bang Kansas.
Một báo cáo khẩn của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho rằng có một thế lực ở nước ngoài, có thể là Nga, đứng đằng sau các vụ tấn công này, New York Times đưa tin.
Bản báo cáo của DHS đã đánh giá mức độ rủi ro của vụ việc ở mức nguy hiểm cao thứ 2.
Tập đoàn vận hành hạt nhân Wolf Creek tại bang Kansas đã từ chối xác nhận về việc nhà máy bị tấn công, nhưng cho biết không hề có ảnh hưởng tới quy trình vận hành nhà máy.
Các tin tặc dường như cố lập ra bản đồ mạng máy tính để chuẩn bị cho cuộc tấn công kế tiếp, NYT trích báo cáo của DHS.
NYT cho hay, tin tặc đã gửi thư điện tử gửi tới các kỹ sư cao cấp, tung ra thông tin công việc giả đi kèm theo mã độc. Cách thức này được tin là đã được tin tặc Nga sử dụng ở những lần tấn công nhà máy hạt nhân trước đây.
Trong một phát ngôn chung với FBI, DHS khẳng định “chưa có dấu hiệu nguy hiểm xảy đến với sự an toàn của công chúng”.
Các nhà điều tra Mỹ hồi năm 2015 đã cáo buộc tin tặc Nga đứng sau vụ tấn công làm gián đoạn việc cung cấp điện trên khắp Ukraine.
Tấn công mạng ngày càng được các nước sử dụng nhiều để can thiệp và theo dõi vào các mạng lưới của các công ty nước ngoài. Mỹ và Israel được cho là từng sử dụng sâu máy tính Stuxnet để xâm nhập vào mạng lưới của một cơ sở hạt nhân ở Iran.
Vi rút đã tấn công các máy ly tâm hạt nhân của cơ sở hạt nhân Iran bằng cách chiếm hệ thống và hướng các máy quay nhanh hơn dự định, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất.
Theo Dân Trí