Trong một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các nhà khoa học khẳng định lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển đã đủ cao để đảm bảo sự gián đoạn khí hậu trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.
Đó là nguyên nhân của những đợt nắng nóng chết người, những cơn siêu bão và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang diễn ra trên khắp các châu lục trong mùa hè này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả báo cáo này là "báo động đỏ cho nhân loại", kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao khác.
“Chuông báo động đang vang lên”, ông Guterres tuyên bố. “Báo cáo này phải là hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của chúng ta”.
Báo cáo của IPCC được đưa ra chỉ 3 tháng trước một hội nghị khí hậu lớn của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Glasgow, Scotland, nơi các chính phủ sẽ chịu áp lực cam kết bảo vệ môi tường và cung cấp nguồn tài chính đáng kể.
Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì còn có thể xảy ra ở phía trước.
Báo cáo cho biết, trừ khi các hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn được thực hiện để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể sẽ vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C trong vòng 20 năm tới.
Cho đến nay, các cam kết cắt giảm khí thải vẫn chưa đủ để làm giảm mức độ khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển. Nhưng ngay cả để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, thế giới cũng không còn nhiều thời gian.
Nếu thế giới cắt giảm đáng kể lượng khí thải trong thập kỷ tới, nhiệt độ trung bình vẫn có thể tăng 1,5 độ C vào năm 2040 và có thể là 1,6 độ C vào năm 2060 trước khi ổn định.
Nếu thế giới không cắt giảm đáng kể lượng khí thải và thay vào đó tiếp tục quỹ đạo hiện tại, hành tinh có thể thấy tăng thêm 2 độ C vào năm 2060 và 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, nếu biến đổi khí hậu giải phóng nhiều khí thải carbon làm khí hậu nóng lên, khiến các lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy và cháy rừng quy mô lớn.
Nhà khoa học Joeri Rogelj từ Đại học Hoàng gia London, cũng là đồng tác giả báo cáo của IPCC cho biết: “Chúng ta đã thay đổi hành tinh của mình và chúng ta sẽ phải sống chung với một số thay đổi đó trong nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ tới".