Những ngày sơ khai thực hiện ý tưởng, rất khó để xin vị giám đốc này một cuộc hẹn, không phải bởi anh “chảnh”, mà anh nói, đồng hành cùng các bạn tự kỷ đã chiếm hết quỹ thời gian của anh. Anh cần một sự yên ổn để tập trung làm dự án, khi nào tất cả vận hành thật hiệu quả mới yên tâm. Đến khi công việc qua giai đoạn vất vả nhất, anh đồng ý gặp tôi, anh cười: “Tiếp nhà báo mất toi cả buổi sáng không thể hướng dẫn các bạn VIP làm việc”.
Hỏi Nguyễn Đức Trung tại sao anh làm việc được với các bạn tự kỷ, anh không biết trả lời sao. Nhiều người khuyến khích anh chia sẻ tại các diễn đàn về tự kỉ hay viết sách cho mọi người học hỏi, anh bảo anh chịu, không biết phải viết gì, làm gì. Những công việc bây giờ anh chỉ làm theo tự nhiên, theo sự thôi thúc đi tìm nhân duyên với nhân sự là VIP.
Quán café, nhà hàng pizza, đội ngũ nhập và phân tích dữ liệu… toàn VIP
Những thành viên trong công ty VAPs đều được lựa chọn và đào tạo bài bản để hướng đến xây dựng quy trình tuyển dụng đặc biệt với cá nhân đó và phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, tất cả đều từ 15 tuổi trở lên. Giấy khám sức khỏe có, hồ sơ đầu vào có và được tiến tới xây dựng hợp đồng nhân sự đặc thù như bất cứ công ty bình thường nào khác. Duy chỉ khác là nhân sự chủ yếu làm part-time (bán thời gian). Theo Nguyễn Đức Trung, cái đắt nhất của công ty là nhân sự, chứ không phải tiền bạc. Hoạt động lao động trong công ty tất cả là tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Sáng thứ 6 cuối tuần, trong một quán café nhỏ trên đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình, Hà Nội, cậu bé Hưng, 17 tuổi, phụ trách làm bánh pizza hăng hái đi xếp bàn. Khay đựng bánh, dĩa, thìa, dao cắt bánh… đặt ngay ngắn trên bàn khách. Còn cậu bé Minh, 18 tuổi, phụ trách đồ uống chăm chỉ xếp các phin café lên bàn trà. Tất cả các VIP đều làm việc với thao tác nhanh nhẹn, thân thiện, tất nhiên khó có thể chuyên nghiệp như các quán café cùng dãy phố Mai Anh Tuấn. Menu của quán khá gọn nhẹ: pizza chỉ có hai loại: bò và chay. Đồ uống gồm 3 thứ: café, nước khoáng đóng chai và pepsi lon. Tất cả đều đơn giản đến mức tối đa để các bạn VIP dễ nhớ, dễ làm và dễ phục vụ khách.
Dù quán café chưa chính thức mở cửa, nhưng đội ngũ nhân sự VIP trong cửa hàng đã đều đặn thực hiện các công việc của mình hàng ngày. Theo anh Trung, khi nào các bạn VIP thực hành thật trơn tru, quán sẽ mở cửa đón khách vào một ngày không xa.
Ngoài VAPs Restaurant, anh Nguyễn Đức Trung còn đầu tư dự án VAPs Library ngay tại quán dành cho những ai muốn tìm hiểu chuyên sâu về sách tâm lý, tự kỷ; anh cũng ấp ủ dự án VAPs Mart cho các bạn VIP có cơ hội đứng bán hàng tại các quầy siêu thị… Không chỉ có Hưng và Minh “vận hành” quán café, VAPs Job Program còn có 3-4 bạn VIP thành thạo công nghệ thông tin, trong đó một bạn rất giỏi tiếng anh… Lương nhân công tính theo sản phẩm, chẳng hạn, Hưng sẽ được trả lương tính theo phần trăm trên từng chiếc bánh pizza hoàn thiện. Ai cũng được làm thật, ăn lương thật.
Ở VAPs, nhân sự là tài sản quý. Điều đặc biệt là các bạn VIP có thể tự ra ngân hàng rút tiền, có thể tự đi siêu thị mua đồ chế biến pizza hay mua đồ uống cho quán café... Vào công ty, vị trí của ai người đó đứng, công việc ai được phân công người đó làm, không chồng chéo nhau.
Anh Nguyễn Đức Trung chia sẻ, các dự án thiết thực này mang lại hiệu quả ý nghĩa cho các bạn VIP, “chứ hiệu quả cho túi tiền của anh thì không có” – anh cười. Nhưng anh chưa quan tâm nhiều đến lợi nhuận, anh muốn mang lại hiệu quả cho xã hội. “Tôi có rất nhiều doanh nghiệp có thể đặt mua bánh pizza mỗi ngày, nhưng các bạn VIP làm sao làm được, năng suất lao động rất hạn chế, phải từ từ, kiên nhẫn và không quá coi trọng kinh tế. Nếu đi quá sẽ gây xung đột và phản ứng từ các bạn VIP” – anh nói.
Phải an nhiên mới làm việc được với tự kỷ
Nguyễn Đức Trung kể, nhà hàng pizza ở phố Mai Anh Tuấn đã có thể được vận hành trơn tru từ năm ngoái khi mà VAPs đào tạo được hai bạn VIP làm đồ uống và pizza siêu giỏi, đó là Hòa và Vinh. Nhưng rồi, tất cả tan biến như một “giấc mơ”.
Vinh vì lý do gia đình và nhà rất xa. Còn Hòa, sau khi biết làm pizza thành thạo, sau khi đã trưởng thành nhờ được đào tạo, dạy dỗ, bạn ấy chuyển hướng, “em muốn làm… game thủ”. Hai nhân sự lành nghề rẽ hai lối đi riêng khiến Nguyễn Đức Trung hụt hẫng, vì đào tạo được 1-2 VIP là cả một quá trình kiên nhẫn và không ngại mệt mỏi.
“Người đau lòng nhất là anh. Bất kì sự ra đi dù là chủ quan hay khách quan đều là nỗi buồn không thể đong đếm được của một người đầu tư bài bản cho nhân sự VAPs. Lúc ấy anh đau lắm, mất một tháng giời khá là buồn. Tiền của, công sức, trí tuệ… đầu tư vào bỗng tan biến. Phụ huynh làm sao có thể hình dung được những gì anh đã bỏ ra…”. Nhưng rồi, Trung tự nhủ, “đã khó thì mình làm chậm, cứ tìm nhân duyên thôi, không cố làm nhanh, thật chầm chậm và chắc chắn”.
Vừa nghiên cứu độc lập về VIP ở lĩnh vực nghề nghiệp dựa trên 1 số chương trình nghề nghiệp ở 1 số tập đoàn đa quốc gia dành cho người tự kỷ, Nguyễn Đức Trung vừa bắt tay vào thực hiện các dự án ấp ủ của mình. “Một số người hỏi sao tôi chịu đựng được với VIP, chắc là do đam mê, lý tưởng muốn đất nước mình phải có dự án nào đó giúp xã hội, giúp người tự kỷ. Bởi tương lai không xa thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đên GDP của đất nước”.
Tuy không có nhiều tiền, nhưng Nguyễn Đức Trung vẫn bắt tay vào làm. Anh không gọi vốn, anh liệu cơm gắp mắm, có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Nhiều người sốt ruột bảo, sao anh không mở rộng quán café, hàng pizza cho các bạn tự kỷ vào làm, anh từ chối: “Tôi mà mở to hiệu pizza thì cái đầu tôi lúc ấy chỉ tập trung vào cái to, chỉ nhăm nhăm lợi nhuận kinh tế, không thể tập trung vào nhân sự VIP được. Chạy theo lợi nhuận sẽ quên luôn các bạn tự kỷ…”. Anh cũng không có tham vọng gọi vốn, bởi nếu ngay từ đầu có suy nghĩ muốn xin tiền các doanh nghiệp, lúc nào VAPs cũng phải nghĩ cách xoay vốn, làm sao còn thời gian đồng hành, dạy dỗ và uốn nắn thật kĩ lưỡng các bạn tự kỷ?
“Làm việc với VIP phải xác định bị thiệt hại tài chính và ảnh hưởng tinh thần. Nhưng nếu bạn vươt qua giai đoạn đó thì mọi thứ trở nên dễ dàng với bạn khi làm việc với người tự kỷ. Có bạn nhìn thấy quạt là bật, nhìn thấy điều khiển tivi hay điều hòa là bật, tiền điện không hề ít. Ngay cả việc dạy các bạn pha chế café, bạn múc một thìa cafe đầy, bạn thì múc vơi, người đổ nước sôi ít, người đổ nước sôi nhiều. Tôi phải làm từ từ, làm đến đâu giải pháp đến đó, với từng cá nhân VIP. Phải rất kiên nhẫn, tâm hồn phải thật an nhiên mới làm được với các bạn tự kỷ” – anh cười.
Các nhân sự VIP ở công ty VAPs có thể thành thục các việc pha cafe, xếp bàn ăn, đi ship đồ hay đi xe buýt. - Ảnh: VAPs |
Tham vọng startup các dự án cho VIP…
Là một người đã kinh qua nhiều công việc, nhiều vị trí khác nhau, từ ngành viễn thông đến lĩnh vực du lịch, tư vấn đầu tư… nhưng rút cuộc, Nguyễn Đức Trung dừng lại với các dự án cho người tự kỷ. Một dự án anh thực hiện thường mất khoảng 2-3 năm, anh đang ấp ủ 6 dự án là gần 20 năm cuộc đời. Nói gì thì nói, bước vào lĩnh vực “khó nhằn” này là thách thức chính bản thân mình.
Nói về những dự án của mình, Nguyễn Đức Trung nói, mong ước lớn nhất của anh là các bạn VIP ở VAPs thành thạo tất cả các kỹ năng của một nhân sự làm văn phòng và chuyên môn hóa công việc của một công ty với nhân sự là VIP và làm nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Mưa dầm thấm lâu, các bạn ấy rồi sẽ ổn.
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp dành một phần công việc cho các bạn tự kỷ ở Việt Nam, có thể partime, full time hoặc cho các bạn ấy mang việc về công ty tôi làm việc để giảm thiểu thiệt hại nhất cho doanh nghiệp. VAPs sẽ tạo môi trường làm việc, đào tạo các VIP, nhận hết rủi ro, chỉ mong muốn có thể xin việc cho các bạn tự kỷ làm và tự nuôi sống bản thân. Các bạn VIP hoàn toàn có thể làm được, điều này khả quan. Dĩ nhiên là tôi phải bóc tách công việc, lựa chọn sao cho phù hợp với cá nhân tự kỷ mà tôi đào tạo về nghề ”.
“Các doanh nghiệp thường nghĩ người khuyết tật xin tiền, xin hỗ trợ khi chúng tôi “gõ cửa” làm việc. Nhưng chúng tôi chỉ mong muốn kết nối được các doanh nghiệp, trở thành công ty kết nối với các doanh nghiệp khác, xây dựng một chương trình việc làm cho người tự kỷ. Một doanh nghiệp hợp tác xây dựng nghề nghiệp cho người tự kỷ thật hiệu quả” – anh Trung khẳng định.