“Cuộc thử nghiệm đã chứng kiến quá trình triển khai chung các công nghệ hỗ trợ AI của Australia, Vương quốc Anh và Mỹ theo nhóm hợp tác nhằm phát hiện và theo dõi các mục tiêu quân sự trong môi trường đại diện theo thời gian thực. Đẩy nhanh sự phát triển của những công nghệ này sẽ có tác động lớn đến khả năng quân sự của liên minh”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố, các cuộc thử nghiệm quân sự này do Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng của Vương quốc Anh tổ chức. Giới chức cho biết cuộc thử nghiệm đã đạt được những thành tựu đầu tiên trên thế giới - bao gồm tái huấn luyện trực tiếp các mô hình trong chuyến bay và trao đổi các mô hình AI giữa các quốc gia AUKUS.
“Tự chủ và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi cách thức hoạt động phòng thủ. Môi trường chiến lược đang phát triển nhanh chóng, có nghĩa là chúng ta phải điều chỉnh công nghệ của mình theo nhịp độ nếu chúng ta muốn duy trì lợi thế hoạt động”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Theo cơ quan này, bằng cách chia sẻ AI và dữ liệu nền tảng để kích hoạt công nghệ này - quân đội Australia, Anh và Mỹ có thể tiếp cận AI một cách tốt nhất, hạn chế trùng lặp và đảm bảo khả năng tương tác.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết Trụ cột Năng lực Nâng cao AUKUS, còn được gọi là Trụ cột 2, là chương trình ba bên bao gồm các công nghệ và năng lực tiên tiến khác nhau nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước cuộc đua đang ngày càng sôi động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tháng 9/2021, Mỹ, Anh và Australia bất ngờ ra thông báo chính thức về thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên, được gọi là liên minh AUKUS. Theo đó, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của công nghệ Mỹ. Chiếc tàu đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2036.
AUKUS ra đời đồng thời đã nhấn mạnh rõ mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của ba quốc gia Mỹ, Anh, Australia với tình hình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đặt ra nhiều đánh giá khác nhau, trong đó tất nhiên gồm cả những quan ngại về khả năng tình hình khu vực có những diễn biến theo hướng căng thẳng hơn.
Trong đó, động thái thành lập cơ chế hợp tác AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng động thái này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhận định AUKUS là hiệp ước hẹp, không có khả năng đóng vai trò nền tảng đảm bảo an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga cũng hy vọng Australia tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm loại trừ các rủi ro liên quan vũ khí hạt nhân.
Một số chuyên gia phân tích cũng bày tỏ quan ngại việc hình thành cơ chế AUKUS có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trong khu vực.