Giống như các đài truyền hình và đài phát thanh còn lại của Afghanistan, Tolo hiện phải đối mặt với một tương lai khó khăn và không chắc chắn dưới thời Taliban, phong trào từng không ủng hộ truyền thông.
Trong giai đoạn 1996-2001 khi Taliban nắm quyền, truyền hình và hầu hết các chương trình giải trí đều bị cấm. Kể từ khi bị quân đội Mỹ lật đổ, Taliban đã đe dọa và sát hại nhiều nhà báo tại Afghanistan.
Lotfullah Najafizada, giám đốc của Tolo News, cho biết sự trở lại của Taliban "đã đặt chúng tôi vào một tình huống rất, rất khó khăn để lựa chọn tiếp tục công việc của mình hay dừng lại."
Theo ông Najafizada, Tolo tiếp tục phát sóng vì họ có nhiệm vụ đưa tin: "Là một hoạt động tin tức 24/7, chúng tôi thậm chí không có một giờ để nghỉ ngơi và suy nghĩ lại."
Sau khi tiếp quản Kabul, lãnh đạo Taliban đã yêu cầu các phương tiện truyền thông Afghanistan hoạt động như bình thường.
Một quan chức thậm chí đã chấp nhận trả lời phỏng vấn một người nữ MC trên kênh truyền hình Tolo News, động thái chứng minh cho cả thế giới về cách tiếp cận mềm mỏng của Taliban đối với phụ nữ và truyền thông.
Nhưng nhiều người dân Afghanistan, kể cả trên các phương tiện truyền thông, không mấy tin tưởng vào thông điệp này.
"Chúng tôi sợ hãi và lo lắng", Saad Mohseni, Giám đốc điều hành của Moby Group, công ty mẹ của Tolo, khẳng định. "Mọi người đều có những đêm mất ngủ, nhưng những gì khán giả đang trải qua không phải là quá khác biệt."
Chiến thắng của Taliban đã khiến các hãng truyền thông độc lập của Afghanistan rơi vào khủng hoảng.
Theo Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), khoảng 100 hãng tin thuộc sở hữu tư nhân đã tạm ngừng hoạt động.
Nhiều phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này cũng đã phải nghỉ việc do lo sợ bị trả thù.
RSF cho biết chỉ có 76 nhà báo nữ vẫn đang làm việc cho các hãng tin ở thủ đô Kabul, giảm mạnh so với con số 700 được báo cáo vào năm ngoái.
"Bên ngoài Kabul, hầu hết các nhà báo nữ đã bị buộc phải ngừng làm việc", RSF cho biết.
Cũng có nhiều báo cáo về việc đe dọa, quấy rối hoạt động truyền thông.
Trong một vụ việc gây chấn động, một nhóm chiến binh Taliban đã xông vào trường quay của kênh truyền hình tư nhân ở Afghanistan.
Nhóm này đã đứng sau bàn làm việc của MC trong khi một viên chỉ huy đọc thông báo kêu gọi người dân không lo sợ Taliban.
Những động thái trên đã buộc nhiều nhà báo Afghanistan phải đào tẩu khỏi Afghanistan.
Cách mạng văn hóa
Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, hàng chục kênh truyền hình và hơn 160 đài phát thanh đã được thành lập tại Afghanistan với sự hỗ trợ của phương Tây và đầu tư tư nhân.
Hai kênh truyền hình Tolo TV và Tolo News của Moby Group - những kênh được xem nhiều nhất ở Afghanistan - là hiện thân của cuộc cách mạng văn hóa tại Afghanistan.
Họ mang đến cho người dân những chương trình không hề có dưới thời Taliban, từ cuộc thi hát theo phong cách "American Idol" đến các video ca nhạc và thậm chí cả các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống đầu tiên của Afghanistan.
Đáng chú ý nhất, Tolo và các mạng lưới thông tấn khác của Afghanistan đã trao không gian và cơ hội cho phụ nữ, những người bị Taliban ngăn cản cơ hội hòa nhập với xã hội.
Sự tái xuất của Taliban như hồi chuông báo hiệu dấu chấm hết cho cuộc cách mạng văn hóa tại Afghanistan.
Giám đốc Tolo News Lotfullah Najafizada cho biết bộ phận giải trí của đài này đã rút lại một số nội dung.
Taliban vẫn chưa đưa ra bất kỳ chỉ thị chính thức nào cho các phương tiện truyền thông và các cơ quan thông tấn chủ yếu dựa vào cơ chế tự kiểm duyệt để tránh làm phật lòng nhà cầm quyền mới.
Tập đoàn Moby đang xem xét các lựa chọn để hoạt động tại nước ngoài nếu Taliban đàn áp Tolo.
Giám đốc điều hành Mohseni khẳng định rằng các lệnh như cấm phóng viên nữ hoặc kiểm duyệt tin tức sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Moby.
Trong khi đó, công ty đang tuyển dụng nhân lực để cố gắng lấp đầy khoảng trống mà hàng chục nhân viên đã bỏ trốn ra nước ngoài.
“Điều đáng buồn là khi chứng kiến một thế hệ những người mà chúng tôi đã đầu tư, những người có thể đã làm rất nhiều cho đất nước, bị buộc phải ra đi”, ông Mohseni nói. "Sự chảy máu chất xám này sẽ khiến chúng ta mất hai thập kỷ nữa để xây dựng lại."