Ngày 20/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Iran đã "có hiệu lực trở lại" và Mỹ sẽ "áp đặt những hậu quả" nếu các nước thành viên Liên hợp quốc không thực thi lệnh trừng phạt.
Ông Pompeo nêu rõ: "Nếu các nước thành viên Liên hợp quốc không hoàn thành cam kết của họ về thực thi những biện pháp trừng phạt này, Mỹ sẵn sàng sử dụng nhà chức trách trong nước để áp đặt những hậu quả đối với những thất bại đó và đảm bảo rằng Iran không thể hưởng lợi từ hoạt động bị Liên hợp quốc cấm."
Mỹ bị cô lập về vấn đề này khi mà các nước lớn khác, đặc biệt là những đồng minh châu Âu, khẳng định các biện pháp trừng phạt chưa được áp đặt trở lại và hành động của Mỹ không có hiệu lực pháp lý.
Trước đó, ngày 16/9, Iran đã kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc xem xét những nỗ lực của Tehran để lật ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, đồng thời cho rằng hành động của Washington đang phá hủy nền kinh tế quốc gia Trung Đông này và "hủy hoại hàng triệu sinh mạng."
Theo kế hoạch, ICJ (trụ sở tại Hà Lan) trong tuần này sẽ xem xét các lý lẽ của Iran và Mỹ trước khi quyết định xem cơ quan này có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không.
Iran đã kiện Mỹ lên ICJ hồi năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt trừng phạt Iran.
Gửi lời kêu gọi lên ICJ thông qua hình thức trực tuyến, đại diện của Iran, ông Hamidreza Oloumiyazdi cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ là sự "vi phạm rõ ràng" Hiệp ước hữu nghị ký năm 1955 giữa Iran và Mỹ, cũng như coi thường cơ sở của luật pháp quốc tế.
Mỹ ngày 14/9 đã hối thúc ICJ bác bỏ vụ kiện trên, và cho rằng các biện pháp trừng phạt không liên quan gì đến Hiệp ước hữu nghị. Chính quyền Mỹ khẳng định các biện pháp trừng phạt là cần thiết khi cho rằng Iran đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế.
Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân JCPOA, theo đó Tehran cắt giảm hoạt động hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Sau đó, từ tháng 5/2019, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố vào ngày 4/9, lượng urani làm giàu của Iran đã gấp hơn 10 lần mức giới hạn trong thỏa thuận.