Nước Mỹ trước trận “so găng” mở màn giữa bà Clinton và ông Trump

(Ngày Nay) - Sau gần hai tháng khá yên ắng kể từ sau đại hội toàn quốc của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đời sống chính trị nước Mỹ lại được hâm nóng trở lại khi mọi ánh mắt đổ dồn vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn nhất nước này tổ chức vào tối 26/9 (sáng 27/9 theo giờ Việt Nam) tại trường Đại học Hofstra ở thành phố New York.
Nước Mỹ trước trận “so găng” mở màn giữa bà Clinton và ông Trump

Nước Mỹ trước trận “so găng” mở màn giữa bà Clinton và ông Trump ảnh 1

 Hai ứng cử viên đã sẵn sàng cho “vòng thi đối mặt” đầu tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Cuộc tranh luận được dự báo sẽ thu hút con số kỷ lục khoảng 100 triệu người theo dõi trực tiếp qua các kênh truyền hình.

Cho dù đây mới chỉ là màn đầu tiên trong ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa (lần tiếp theo vào các ngày 9 và 19/10), nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua vào Nhà Trắng vì những gì mà hai ứng viên thể hiện trong lần đầu tiên đối diện nhau trên cùng một sân khấu sẽ gây ấn tượng rất mạnh đến các cử tri Mỹ, đặc biệt là những người còn băn khoăn chưa biết bỏ phiếu cho ai.

Các khán giả không chỉ quan tâm đến những nội dung được đề cập đến trong cuộc tranh luận, mà còn ở cách phát ngôn những nội dung đó và phản ứng của ứng cử viên này với ứng cử viên kia thế nào.

Theo đánh giá, các ứng cử viên một mặt phải đem hết sở trường ra thi thố, mặt khác phải hết sức cẩn trọng trong từng "lời ăn, tiếng nói" vì chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ để lại hậu quả khó lường và thậm chí phải "ôm hận."

Trong cuộc tranh luận dự kiến kéo dài 90 phút do người dẫn chương trình tin tức “Nightly News” của đài NBC, ông Lester Holt điều phối, các ứng cử viên sẽ tập trung trình bày quan điểm cá nhân trên ba chủ đề chính: hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào để đạt được sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh tại nước Mỹ trong thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố cũng như các vụ bạo lực nhuốm màu phân biệt chủng tộc đã khiến an ninh trở thành vấn đề “nóng” hàng đầu và các ứng cử viên dự kiến sẽ dành 1/3 thời lượng để tranh luận trực tiếp về chủ đề này.

Trước khi bước vào màn "so găng" trực tiếp trên, dư luận đánh giá bà Hillary Clinton đang có lợi thế đôi chút so với đối thủ Donald Trump khi vẫn duy trì ưu thế dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng với khoảng cách ngày càng sít sao. Theo đánh giá của giới phân tích, mỗi ứng cử viên đều có điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Kết quả thăm dò ý kiến cử tri của tờ Washington Post cho thấy tỷ phú Trump đang dẫn trước bà Clinton trong các vấn đề kinh tế và chống khủng bố, trong khi bà Clinton được đánh giá cao hơn trong các vấn đề chính sách đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.

Theo kết quả thăm dò chung do báo Washington Post và hãng tin ABC công bố ngày 25/9, tức là chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên, bà Clinton nhận được 46% số phiếu ủng hộ so với 44% của ông Trump. Kết quả thăm dò của trang Politico cũng cho kết quả tương tự. Ông Trump dẫn trước tại bang Ohio và bang Florida, trong khi bà Clinton tiếp tục dẫn trước tại các bang “chiến địa” như Virginia và Pensylvania.

Theo đánh giá, sự chênh lệch khá sít sao giữa hai ứng cử viên rất có thể sẽ thay đổi nếu bà Clinton không tận dụng được ưu thế kinh nghiệm chính trường, trong khi ông Trump có thể tiếp tục gây bất ngờ bởi sự khó lường.

Theo giới quan sát, bà Clinton đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc tranh luận như một cơ hội để trấn an những người ủng hộ bà và để đẩy mạnh thông điệp là muốn xây dựng một nền kinh tế với cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Còn đối với tỷ phú Trump, khẩu hiệu đưa nước Mỹ "hùng mạnh trở lại," "an toàn trở lại" và "vĩ đại trở lại” chắc chắn sẽ được ông nhắc tới nhiều lần trong cuộc tranh luận tới. Ngoài ra, ông Trump hứa sẽ làm nhiều hơn cho phụ nữ nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, chứ không chỉ “nói suông” như đối thủ Clinton.

Dư luận cho rằng cuộc tranh luận sẽ là một thời điểm quan trọng với ông Trump sau khi ứng viên này đã thu hẹp được cách biệt với bà Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận trong hai tháng qua, một phần là do ông đã tỏ ra kỷ luật hơn trong những phát ngôn so với trước đó và biết tận dụng cơ hội để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri khi công kích bà Clinton về vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để xử lý việc công trong thời gian giữ chức ngoại trưởng. Ngoài ra, ông cũng đặt ra các nghi vấn về sức khỏe của bà Clinton sau khi cựu Đệ nhất phu nhân bị choáng và phải bỏ dở lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York.

Nhà tỷ phú nhấn mạnh chỉ có ông mới đủ sức khỏe để đảm đương trọng trách tổng thống của nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng nhận được một cú hích khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz, thuộc bang Texas, từng là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua giành tấm vé duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống, bất ngờ tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho tỷ phú bất động sản này. Giờ đây, cuộc tranh luận là cơ hội tốt để ông Trump san bằng khoảng cách với đối thủ và vượt lên.

Trước cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đều tung ra những đòn hỏa mù nhằm "nắn gân" đối phương. Ban vận động tranh cử của bà Clinton tuyên bố sẽ mời Mark Cuban, một tỷ phú đồng thời là đối thủ cạnh tranh kinh doanh của ông Trump, tham gia cuộc tranh luận để phơi bày những "thói hư, tật xấu" của ông trùm bất động sản trên thương trường.

Đáp lại, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ mời Gennifer Flowers, cựu người mẫu xinh đẹp kiêm diễn viên từng có quan hệ “ngoài luồng” với phu quân của bà Clinton, tham gia cuộc tranh luận.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn sáu tuần nữa là tới "ngày phán xét" (8/11) và những gì mà hai ứng cử viên thể hiện trong màn tranh luận trực tiếp sẽ tác động mạnh đến lá phiếu của các cử tri còn đang lưỡng lự.

So về kinh nghiệm, bà Clinton hơn hẳn ông Trump vì đến nay, vị tỷ phú này chưa từng tham gia một cuộc tranh luận tay đôi nào, trong khi cựu Ngoại trưởng đã có tới 10 cuộc. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng người đang chịu áp lực vào tối 26/9 chính là bà Clinton chứ không phải ông Trump và màn trình diễn của bà sẽ có ảnh hưởng thực sự đến chiều hướng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo Vietnamplus
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.