(Bài viết trích dẫn quan điểm của Ross Douthat, chuyên gia bình luận tại chuyên mục Ý kiến của The New York Times.)
Ngai vàng quyền lực đang lung lay?
Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hoà sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 27/8. Không nghi ngờ gì nữa, năm nay sẽ lại là một show truyền hình thực tế của Donald Trump - khi mà nửa danh sách diễn giả đều là thành viên gia đình ông.
Tổng thống Mỹ sẽ diễn thuyết cả 4 ngày của Đại hội - phá vỡ truyền thống khi một ứng viên Tổng thống chỉ có một bài phát biểu vào đêm cuối để nhận đề cử. Với nhiều thành viên Đảng Cộng hoà đang mong muốn Trump sớm “bốc hơi” khỏi Nhà Trắng, Đại hội năm nay mang đến cho họ một niềm tin lớn lao. Đối với họ, đây chính là cơ hội để Trump để lộ những nhược điểm và quyền lực đang dần suy yếu của mình.
Danh sách diễn giả chính tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hoà. (Ảnh: Fox News) |
Tuy vậy, niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy đã đặt nhầm chỗ. Trump vẫn có thể chiến thắng Joe Biden. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào những sự kiện xảy ra từ đại dịch cho đến ngày bầu cử, chứ không phải vào Đại hội.
Kể cả khi Trump thất bại, quyền lực của ông tại Đảng Cộng hoà sẽ khó mà suy giảm nhanh chóng. Các đồng minh và cộng sự sẽ giúp Trump duy trì quyền lực. Các phương tiện truyền thông chính thống sẽ tiếp tục chỉ trích Trump để thu hút người xem. Và ngài Tổng thống vẫn sẽ miệt mài kéo mọi “ánh đèn sân khấu” về phía mình.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống, Trump đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc tới đảng Cộng hoà. Những điều có thể xảy ra trong chính trị Mỹ, cách mà đảng Cộng hoà bỏ phiếu và chấp thuận, khả năng đáp ứng của chủ nghĩa bảo thủ - tất cả kiến thức mà Trump đã để lại sẽ không biến mất dễ dàng. Bất kì ai có ý định tranh cử Tổng thống trong tương lai, đều đã rút ra được một vài điều bổ ích trong nhiệm kỳ của Trump.
Những bài học này sẽ tạo nên sự khác biệt. Sau đây là 3 cách để Trump tiếp tục thống trị đảng Cộng hoà sau khi ra đi:
Trumpism - một chương trình nghị sự về cách lãnh đạo
Chủ nghĩa Trump (Trumpism) có thể trở thành một chương trình nghị sự về ý thức hệ. Với kịch bản này, những người kế nhiệm Trump sẽ học được hai bài học.
Đầu tiên, các chính trị gia có thể đạt được thành công trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hoà bằng cách chống lại các yếu tố bảo thủ theo phong trào - như Trump đã làm. Thứ hai, họ cần thực hiện chính sách theo hướng chủ nghĩa dân tuý. Bên cạnh các thành phố lớn ven biển, các trung tâm công nghệ và thị trấn đại học, những chính sách đó sẽ bảo vệ và xây dựng lại nước Mỹ đang suy tàn.
Chiến dịch sẽ bắt đầu từ những ý tưởng mà Trump đã đưa ra năm 2016. Cụ thể, Mỹ không chỉ nên tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ cần một chính sách công nghiệp dựa trên sự tự giác, để mang lại số lượng việc làm mà Mỹ đã mất vào tay châu Á.
Chính sách này sẽ mang lại lợi ích về thuế cho các gia đình thuộc tầng lớp lao động, song song với việc lấy đi phần lợi ích tương tự của những chủ thuê nhà tại các bang “xanh” (bang ủng hộ đảng Cộng hoà). Người làm công ăn lương mới là đối tượng cần sự hỗ trợ thực sự từ chính phủ, chứ không phải các doanh nhân.
Về đối ngoại, chính sách này sẽ tuân theo tinh thần đối đầu trực tiếp, công khai của Mỹ với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Mỹ sẽ rút khỏi 2 mặt trận Afghanistan và Iran, để tập trung hình thành lên các liên minh, thậm chí với cả Nga, để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung luôn là vấn đề chính trị được Trump ưu tiên hàng đầu. (Ảnh: Daily Express) |
Cuối cùng, Trumpism có thể xoay chuyển tình thế của cuộc chiến văn hoá. Sẽ có những sự phản ứng mạnh mẽ hơn với số ít các cử tri theo khuynh hướng bảo thủ. Trumpism còn có thể tạo ra một chương trình nghị sự nhằm định hình lại các trường đại học, bằng sức mạnh của sự đa dạng về hệ tư tưởng.
Nếu thành công, chiến lược này có thể giúp đảng Cộng hoà giành được sự ủng hộ của cộng đồng, với tư cách là một đảng của tầng lớp trung lưu đa sắc tộc - chứ không phải của những người da trắng già nua, hạn hẹp.
Trumpism - chủ nghĩa vì lợi ích của thiểu số
Đảng Cộng hoà luôn có sức ảnh hưởng lớn ở các vùng nông thôn. Không chỉ vậy, các đại cử tri và cả Thượng viện đều đóng góp khá nhiều và quyền lực của đảng Cộng hoà, ngay cả khi không được số đông ủng hộ.
Khi nhắc đến Trump, chúng ta thường nói về 3 điều: khuynh hướng phản dân chủ, sự độc đoán trên Twitter và nỗi ám ảnh về gian lận trong bầu cử của ông. Từ những điều trên, không khó để hình dung ra cách mà Trump sẽ duy trì quyền lực sau khi không còn là Tổng thống. Đó là theo đuổi chủ nghĩa độc tài, thay vì tiếp tục phát triển chủ nghĩa dân tuý để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.
Ross Douthat cho rằng Trump là một nhà độc tài. (Ảnh: Foreign Policy) |
Đảng Cộng hoà sẽ phản đối nhiều kế hoạch của đảng Dân chủ. Đó là kế hoạch kết nạp các thượng nghị sĩ mới vào Thượng viện, kết nạp thêm thẩm phán vào Toà án Tối cao, mở rộng đăng ký cử tri tự động và bỏ phiếu sớm. Đảng Cộng hoà có thể phản công bằng cách mở rộng và siết chặt luật xác định danh tính cử tri, thúc đẩy sự phân bổ của Hạ viện để loại trừ những người không phải là công dân. Thậm chí, đảng Cộng hoà có thể cố gắng thiết lập các hệ thống giống như Cử tri đoàn ở các tiểu bang có xu hướng theo cánh tả.
Trong kỷ nguyên của Trump, tôi đã luôn coi ông ta là một kẻ khinh suất, bất tài và hèn nhát, chỉ để thể hiện sự độc đoán của mình. Nhiều người đã quen với phong cách chính trị thù địch của Trump. Do đó, Trump coi việc chuyển giao quyền lực cho đảng Dân chủ chẳng khác nào để những kẻ đánh bom liều chết chiếm lấy máy bay.
Trumpism - chủ nghĩa “thực tế ảo”
Nhưng vẫn còn một viễn cảnh khác cho kỷ nguyên hậu Trump. Hóa ra bản chất cốt yếu của hiện tượng Trump không phải là chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa độc tài, mà là một loại phản ứng theo phong cách của một chính phủ cánh hữu.
Từng cử chỉ của một vị Tổng thống luôn rất quan trọng. Nhưng Trump đã chứng minh rằng bạn có thể lãnh đạo một siêu cường kinh tế và quân sự ngay cả khi những cử chỉ đó, về cơ bản là viển vông.
Bạn có thể ban hành các mệnh lệnh có vẻ rất mạnh mẽ, nhưng thực ra không thực hiện những gì bạn thật sự nhắm tới. Bạn có quyền tự cho mình là “tác giả” của những chính sách đã có từ lâu, rồi giả vờ rằng nó chưa bao giờ xuất hiện cho đến khi bạn công bố. Bạn sẽ chống lại các cuộc chiến tranh văn hóa xoay quanh những vấn đề mang tính biểu tượng, hơn là các vấn đề thực tế như hôn nhân hay phá thai.
Phong cách này có thể đặc biệt hấp dẫn đối với những người bảo thủ. Những thắng lợi của họ thường được diễn tả là “những chiến thắng vô hình”, như cây viết Matthew Walther của tờ The Week đã chỉ ra:
Đây là bài học mà đảng Cộng hòa có thể rút ra từ Trumpism. Chừng nào đất nước còn lo sợ chủ nghĩa tự do ngày càng nghiêng về cánh tả, đảng Cộng hòa có thể giành phần thắng trong các cuộc bầu cử, với điều kiện họ phải cam kết sẽ chống lại tư tưởng của đảng Dân chủ - đó là giữ cho quyền bá chủ tự do luôn tồn tại.
Đối với các cử tri Đảng Cộng hòa muốn nhiều hơn thế, Trump có thể tạo ra những chiến thắng mới - cho dù là tầm thường (một lệnh điều hành truyền thông xã hội mới!), hay kỳ lạ hơn (một cuộc thanh trừng bí mật những kẻ vô nhân tính!). Và điều cuối cùng Trump cần làm đó là ăn mừng những thắng lợi đó, như thể nó vĩ đại như những gì Ronald Reagan và Abraham Lincoln đã làm được cho nước Mỹ vậy.
Ở một góc độ nào đó, Trump đã trở thành một người tiên phong vô cùng đặc biệt. Ông ta cùng đảng Cộng hoà đã cùng nhau tạo ra một khái niệm mới: đó là đảng chính trị đầu tiên tồn tại hoàn toàn dưới dạng mô phỏng.