Sau khi giành lại chính quyền, Taliban giờ đây phải đối mặt với thách thức điều hành một quốc gia có 38 triệu dân chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế, và áp đặt một số quy tắc cai trị đối với một nhóm dân số có trình độ học vấn và tính quốc tế cao hơn nhiều so với các thế hệ trước đây.
Vài giờ sau khi chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ cất cánh, các thủ lĩnh Taliban đã tới sân bay Hamid Karzai như một hành động tượng trưng cho chiến thắng cuối cùng trước phương Tây.
"Afghanistan cuối cùng đã được tự do", Hekmatullah Wasiq, một quan chức hàng đầu của Taliban, khẳng định. “Mọi thứ đều bình yên. Mọi thứ đều an toàn.”
Các quan chức Taliban trả lời phỏng vấn tại sân bay Hamid Karzai sau khi quân đội Mỹ rút lui. Ảnh: AP |
Ông Wasiq kêu gọi những người còn tụ tập tại sân bay quay trở lại làm việc và nhắc lại lời đề nghị ân xá của cho tất cả những người Afghanistan từng cộng tác với quân đội nước ngoài. “Mọi người phải kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ từ từ đưa mọi thứ trở lại bình thường. Điều này sẽ cần thời gian."
Một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Taliban nhanh chóng tiếp quản đất nước vào giữa tháng 8, khi hàng dài người dân đổ xô tới các ngân hàng và cây ATM để rút tiền.
Nhiều công chức đã không được trả lương trong nhiều tháng, còn đồng nội tệ Afghanistan ngày càng mất giá. Phần lớn dự trữ ngoại hối của Afghanistan hiện đang bị đóng băng ở nước ngoài.
Abdul Maqsood, một cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ gần sân bay cho biết: “Chúng tôi vẫn phải đi làm nhưng không được trả lương. Tôi đã không được trả lương suốt 4 tháng qua."
Một trận hạn hán lớn đe dọa nguồn cung cấp lương thực của Afghanistan, chưa kể đến hàng nghìn người tị nạn vẫn còn đang sống trong các khu lều trại ở thủ đô Kabul chưa thể trở về quê nhà.
“Afghanistan đang trên bờ vực của một thảm họa nhân đạo", Ramiz Alakbarov, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc, cho biết.
Những thách thức mà Taliban phải đối mặt trong việc phục hồi nền kinh tế có thể tạo đòn bẩy cho các quốc gia phương Tây buộc Taliban tuân thủ cam kết cho người dân sơ tán ra nước ngoài và tôn trọng nhân quyền. Lãnh đjao Taliban nói rằng họ muốn có quan hệ tốt với các nước khác, bao gồm cả Mỹ.
Tại một hội trường cao cấp ở thủ đô Kabul, một đám cưới vẫn được tổ chức bất chấp tình hình bất ổn trong thành phố.
Một bức ảnh của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong sân bay Hamid Karzai. Ảnh: AP |
Shadab Azimi, người quản lý hội trường, cho biết đã có ít nhất 7 tiệc cưới được tổ chức kể từ khi Taliban tiếp quản thủ đô, phần lớn được làm vào ban ngày vì lý do an ninh.
Azimi cho biết một đội tuần tra của Taliban ghé qua hai lần mỗi ngày, nhưng chỉ để hỏi xem liệu anh ta có cần giúp đỡ về an ninh hay không.
"Không giống như cảnh sát của chính phủ trước đây, Taliban không đòi hối lộ", Azimi nói. “Các cựu quan chức, bao gồm cả cảnh sát, luôn đòi tiền chúng tôi và buộc chúng tôi phải đãi họ ăn uống. Đây là một trong những điểm tích cực của Taliban."
Abdul Waseeq là chủ một cửa hàng quần áo dành cho phụ nữ ở trung tâm thành phố Kabul. Dù được phép bán hàng, nhưng tình hình kinh doanh hết sức ế ẩm do khách hàng không dám đi mua đồ phương Tây.
“Hầu hết khách hàng mua những loại quần áo của chúng tôi đã biến mất, họ di tản khỏi Kabul", Waseeq chia sẻ.
Nhiều người nghèo tại Afghanistan như Sal Mohammad chỉ tập trung kiếm sống thay vì lo lắng về tình hình chính trị. Ảnh: AP |
Hiện tại, Taliban dường như không quan tâm đến việc áp đặt các quy tắc đối với cuộc sống của người dân, mà muốn ổn định tình hình chung.
Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết một “đội kỹ thuật” sẽ khảo sát sân bay Hamid Karzai và cố gắng khôi phục hoạt động bình thường, có khả năng yêu cầu sự giúp đỡ từ Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Taliban cho biết họ sẽ cho phép những người có giấy tờ hợp pháp đi lại tự do, nhưng vẫn còn phải xem liệu có hãng hàng không thương mại nào sẵn sàng hoạt động tại Afghanistan hay không.
"Tôi hy vọng các bạn sẽ rất thận trọng trong việc đối phó với người dân", phát ngôn viên Mujahid phát biểu trước các tay súng tụ tập tại sân bay. "Người dân của chúng ta đã phải hứng chịu chiến tranh và xâm lược, và người dân không thể khoan dung hơn."
Bất chấp hàng tỷ USD viện trợ đã được phương Tây "rót vào" trong hai thập kỷ qua, hơn một nửa dân số Afghanistan có mức thu nhập chưa tới 1 USD mỗi ngày. Đối với những người nghèo, thay đổi chế độ không khiến họ bận tâm bằng việc sinh tồn mỗi ngày.
Sal Mohammad, 25 tuổi, thường thu gom sắt vụn và bán để nuôi vợ và con gái 2 tuổi. Vào một ngày đẹp trời, Mohammad có thể kiếm được khoảng 5 USD.
“Tôi không cảm thấy có điều gì thay đổi trong cuộc sống của mình kể từ khi Taliban vào Kabul”, Mohammad nói. “Tôi không quan tâm đến bất kỳ ai trong số họ, cả Taliban, chính phủ cũ hay Mỹ. Tôi chỉ muốn yên ổn, không hơn không kém.”