Triều Tiên hôm 15/4 đã tiến hành cuộc duyệt binh rầm rộ tại thủ đô Bình Nhưỡng nhân dịp 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.
“Khoe” tên lửa mới
Trong ngày lễ lớn nhất nước này, còn gọi là Ngày Ánh dương, Triều Tiên đã trình làng xe tăng, hệ thống tên lửa phóng loạt và nhiều vũ khí khác. Đáng chú ý, theo Reuters, là sự xuất hiện của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được đánh giá là mới. Quan chức quân đội Hàn Quốc đánh giá ICBM nói trên dài hơn 2 loại ICBM có tên KN-08 và KN-14 hiện nay. Trong khi đó, chuyên gia Melissa Hanham thuộc Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân James Martin (Mỹ) nhận định Triều Tiên đang hướng tới một thiết kế ICBM mới dựa trên những gì được thấy tại cuộc duyệt binh. “Bình Nhưỡng có thói quen trình diễn những thiết kế mới trong các cuộc duyệt binh trước khi thử nghiệm hoặc phóng chúng” - bà Hanham nói với Reuters.
Cuộc duyệt binh trên cũng đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên “khoe” loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong, có tầm bắn trên 1.000 km. Phiên bản tên lửa mới có tên Pukkuksong-2 (KN-15), bay được 500 km trong lần phóng thử được Triều Tiên mô tả là “thành công” hồi tháng 2-2017. Chuyên gia quân sự Joshua Pollack ở Washington nhận định việc Triều Tiên ra mắt Pukkuksong-2 cho thấy nước này tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển SLBM vốn khó bị phát hiện hơn. Các tên lửa đạn đạo Scud-ER, tên lửa đất đối không KN-06, tên lửa chống hạm và rốc-két đa nòng 300 mm cũng lần lượt xuất hiện trong cuộc duyệt binh.
Phát biểu tại lễ duyệt binh, ông Choe Ryong-Hae, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên và được xem là nhân vật quyền lực thứ hai ở nước này, gửi thông điệp cảnh báo đến Mỹ khi tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành tấn công hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân. Hãng tin Yonhap hôm 14-4 dẫn lời ông David Albright, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế (Mỹ), cho biết Triều Tiên ước tính sở hữu đến 30 vũ khí hạt nhân vào cuối năm 2016 và con số này sẽ tăng lên 60 vào năm 2020. Theo ông Albright, Bình Nhưỡng cũng đặt mục tiêu phát triển vũ khí nhiệt hạch có sức công phá lớn hơn.
Vũ khí trả đũa Mỹ
Một báo cáo gần đây của Công ty Phân tích chiến lược Stratfor (Mỹ) đánh giá Triều Tiên không đủ khả năng ngăn chặn Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của mình nhưng có nhiều vũ khí để trả đũa. Trong trường hợp bị Mỹ tấn công, phương thức đáp trả ngay lập tức của Bình Nhưỡng là bắn pháo về phía Seoul. Phần lớn khẩu pháo đang được bố trí dọc hoặc gần biên giới giáp với Hàn Quốc, chỉ cách thủ đô Seoul khoảng 60 km, nên không cần nhiều thời gian chuẩn bị so với tên lửa đạn đạo hay những vũ khí được triển khai từ trên không và trên biển. Nếu Bình Nhưỡng khai hỏa các hệ thống rốc-két đa nòng, Seoul có thể chịu thiệt hại không nhỏ.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể dùng kho tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn. Triều Tiên được cho là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa đạn đạo có thể tấn công mọi khu vực ở Hàn Quốc. Trong số này, 2 loại tên lửa Hwasong và Nodong sẽ đóng vai trò chủ lực bởi khả năng phóng tên lửa Taepodong của Bình Nhưỡng còn hạn chế.
Không những thế, tên lửa đạn đạo Triều Tiên còn vươn được tới các mục tiêu của quân đội Mỹ bên ngoài bán đảo Triều Tiên, nhất là ở Nhật Bản. Kho tên lửa này dễ dàng phát tán 1.000 tấn chất nổ với sức công phá lớn, bên cạnh những loại đạn dược phi truyền thống (hóa học, sinh học và hạt nhân). Theo Stratfor, mối đe dọa lớn nhất từ kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên chính là tiềm năng sử dụng cho một cuộc tấn công hạt nhân. Triều Tiên được cho là đang sở hữu từ 2-5 đầu đạn hạt nhân có khả năng sử dụng ngay. Một vài đầu đạn hạt nhân này có thể được gắn vào tên lửa Nodong, gây ra hiểm họa khôn lường với Hàn Quốc.
Biến chuyển giữa Mỹ - Trung
Không đối tác thương mại lớn nào ở châu Á bị Mỹ xem là thao túng tiền tệ, theo báo cáo mới nhất được công bố hôm 14-4 (giờ địa phương) của Bộ Tài chính Mỹ.
Tổng thống Trump rất nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, cụ thể là giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp để giúp hàng xuất khẩu của nước này rẻ hơn. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hôm 6 và 7/4, ông Trump đổi thái độ 180 độ, không còn chỉ trích nền kinh tế số 2 thế giới thao túng tiền tệ nữa. Lý giải cho điều này, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin (Nhật Bản), ông Takeshi Minami, cho biết: “Tôi nghĩ lần này Mỹ bỏ qua là bởi họ muốn đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên”.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tìm cách giải quyết bài toán mất cân bằng thương mại và giữ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan (thuộc Trung Quốc) nằm trong danh sách giám sát đặc biệt về chính sách tiền tệ. Đặc biệt, theo Reuters, thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ tiếp tục ở mức cao trong quý đầu tiên của năm 2017, gần như không thay đổi so với mức 49,6 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh mới đây, hai ông Trump và Tập đã đồng ý tiến hành “kế hoạch 100 ngày”, tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. “Còn tùy tình hình Triều Tiên diễn biến ra sao mà chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra trong vòng nửa năm tới” - ông Minami nói, đề cập việc báo cáo nói trên của Bộ Tài chính Mỹ được công bố nửa năm một lần.
Theo Người lao động