Ngày 18/11, WHO tuyên bố dịch bệnh Zika không còn thuộc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
"Virus Zika vẫn còn là một vấn đề đặc biệt quan trọng và mang tính lâu dài, nhưng không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu", AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp WHO David Heymann cho biết.
Theo báo cáo của WHO, từ khi dịch Zika bùng phát vào giữa năm 2015, hơn 1,5 triệu người đã bị nhiễm virus này, chủ yếu là tại Brazil. Hơn 1.600 trẻ sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, WHO không bỏ qua những rủi ro vẫn còn tồn tại từ loại virus này.
"Chúng tôi không hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus Zika", giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Peter Salama nói.
Cơ quan này tin rằng virus Zika và hậu quả liên quan vẫn là một thách thức y tế toàn cầu lâu dài và quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt.
Cùng ngày, chính quyền Brazil, quốc gia trong "tâm bão Zika", cho biết vẫn tiếp tục coi dịch Zika là tình trạng khẩn cấp cho đến khi hoàn toàn kiểm soát được virus này.
Virus Zika đã xuất hiện tại 73 quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu là khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe. Đa số bệnh nhân mắc Zika bị nhiễm virus qua muỗi, số khác lây qua đường tình dục. WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Zika vào tháng 2/2016.
Đầu năm nay, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng ít nhất 2,6 tỷ người sống tại các khu vực virus Zika phát triển thuận lợi như châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. Trong đó, tính riêng ở Ấn Độ, con số này là 1,2 tỷ người.
Theo WHO, các nhà khoa học đang nghiên cứu mới thử nghiệm hai loại vắc xin chống virus Zika. Ở thời điểm hiện tại, loại virus này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.