Thỏa thuận Paris: Nước Mỹ có thực sự rút lui?

(Ngày Nay) - Ngày 1/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến mối lo ngại của cộng đồng quốc tế thành hiện thực khi tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu với lý do thỏa thuận này làm tổn hại đến quyền lợi của nước Mỹ. Nhưng Thỏa thuận Paris có thực sự gây tổn hại, và nước Mỹ có thực sự rút lui?
Thỏa thuận Paris: Nước Mỹ có thực sự rút lui?

Thỏa thuận Paris

Thỏa thuận Paris là một thỏa thuận trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, có mục đích đề ra các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris đề ra mục tiêu không chế sự nóng lên của trái đất không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tăng cường khả năng thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tạo nguồn tài chính liên tục cho các mục tiêu thích nghi và phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Theo Thỏa thuận Paris, mỗi quốc gia sẽ tự xác định mục tiêu, lên kế hoạch thực hiện và báo cáo thường xuyên về những nỗ lực của mình trong việc khống chế sự ấm lên của trái đất. Các quốc gia không bị áp đặt mục tiêu hay thời hạn cụ thể nào, tuy nhiên họ cần đảm bảo rằng các mục tiêu sau luôn cao hơn mục tiêu đưa ra trước đó.

Tính đến thời điểm tháng 6/2017, trong số 197 quốc gia thành viên của Công ước khung thì đã có tới 195 nước ký thỏa thuận này, trong đó có 148 nước đã chính thức phê chuẩn. Với tỉ lệ đồng thuận rất cao này, Thỏa thuận Paris được coi là thành công ngoại giao lớn nhất của toàn thế giới trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn bi quan hơn, thì Thỏa thuận Paris có cũng có thể coi là một thất bại, khi mục tiêu đạt ra chưa đủ đột phá còn lộ trình thực hiện lại có phần mơ hồ.

Thành công và thất bại

Một trong những kết quả đáng chú ý của Thỏa thuận Paris là đã đạt ra được mục tiêu khống chế sự ấm lên của trái đất không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mục tiêu này, nếu được thực hiện, sẽ hạn chế băng tan ở hai đầu cực và bảo vệ một số thành phố như Luân Đôn, Thượng Hải hay một số đảo quốc như Tuvalu khỏi nguy cơ bị nhấn chìm hoàn dưới mặt biển. Tuy nhiên, kể từ Cách mạng Công nghiệp tới nay, trái đất đã ấm lên khoảng 1°C và băng tan có thể đã là một thực tế đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, mục tiêu 1,5°C như Thỏa thuận Paris đề ra cần đi đôi với những cam kết cụ thể và mạnh mẽ từ các quốc gia để có thể hiện thực hóa.

Nếu thế giới không hành động thì cho tới năm 2100, trái đất sẽ ấm lên thêm 4,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận Paris đặt ra cơ chế cam kết tự nguyện, cho phép mỗi quốc gia tự đặt ra mục tiêu và kế hoạch hành động. Cho tới nay, đã có hơn 180 quốc gia đưa ra cam kết của mình. Trung Quốc đã cam kết rằng lượng khí thải CO2 sẽ đạt mức cực đại không muộn hơn năm 2030, đồng nghĩa với nước phát thải hàng đầu thế giới này sẽ phải bắt đầu cắt giảm khí thải sau 13 năm nữa.

Thỏa thuận Paris: Nước Mỹ có thực sự rút lui? ảnh 1 

Nếu Trung Quốc và tất cả những nước đã có cam kết tuân thủ nghiêm túc lời hứa của mình bằng những kế hoạch hành động cụ thể, thì theo tính toán của các nhà khoa học, tới năm 2100 nhiệt độ trái đất cũng vẫn sẽ tăng thêm tới 3,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 1,5°C đã đề ra. Con số này cho thấy, các nước đặt bút ký vào Thỏa thuận Paris chưa thể hiện được ý chí cũng như năng lực thực hiện mục tiêu chung này. Mục tiêu lớn nhất mà Thỏa thuận Paris đặt ra là một bài toán chưa có lời giải, chưa có lộ trình thực hiện và hoàn toàn dựa vào thiện ý của các bên tham gia. Việc thiếu đi một cơ chế có tính ràng buộc trong Thỏa thuận Paris khiến thỏa thuận này khó được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Các nước đang phát triển tiếp tục lập luận rằng những nước phát triển đã gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu trong suốt thời kỳ đầu công nghiệp, và bởi vậy những nước này có trách nhiệm lịch sử phải giải quyết nó thông qua việc cắt giảm khí thải. Trong khi đó, các nước đang phát triển sẽ tiếp tục được sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của mình. Đây có thể là một lập luận chính đáng, nhưng lập luận này trên thực tế cũng chính là một sự phủ nhận đối với Thỏa thuận Paris, bởi theo tính toán, để trái đất không ấm lên quá 2°C trong thế kỷ này, mức phát thải trên toàn thế giới phải về mức gần như bằng 0. Để làm được điều này, tất cả các quốc gia đều phải giảm phát thải. Tuy nhiên, những quốc gia phát thải hàng đầu thế giới lại chưa từng đưa ra một cam kết mạnh mẽ nào. Trung Quốc, nước phát thải hàng đầu, chỉ cam kết sẽ đạt mức phát thải cực đại không muộn hơn năm 2030 chứ không cam kết sẽ cắt giảm khí thải sau đó. Còn Ấn Độ, nước phát thải nhiều thứ ba, thì đang có kế hoạch tăng đáng kể lượng khí thải từ nay cho đến năm 2030.

Sự rút lui của chính quyền Donald Trump

Thỏa thuận Paris còn đầy những lỗ hổng và những mâu thuẫn chưa có lời giải. Đây là một bản thỏa thuận đề ra mục đích nhưng không đề ra hành động, đưa ra lời kêu gọi chứ không đặt ra những trách nhiệm cụ thể với các bên liên quan. Tuy nhiên, bản thỏa thuận cũng đã khẳng định được một điều là thế giới, đặc biệt là những quốc gia phát thải hàng đầu, đã ghi nhận mối liên quan giữa phát thải và biến đổi khí hậu cũng như ghi nhận việc cần phải ngăn chặn hiện tượng này. Trên hết, đó là sự ghi nhận chung của toàn thế giới rằng không thể tiếp tục lấy tương lai của thế giới để đánh đổi lấy tăng trưởng.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 1/6 vừa qua, tuyên bố rút nước này ra khỏi Thỏa thuận Paris đã khiến triển vọng của Thỏa thuận Paris vốn mơ hồ giờ lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Mỹ hiện tại là nước phát thải nhiều thứ hai trên thế giới và chiếm tới gần 15% lượng phát thải toàn cầu. Trong số các quốc gia đặt bút ký thỏa thuận, Mỹ cũng là nước phát triển vào bậc nhất. Với việc Mỹ rũ bỏ những cam kết của mình, Thỏa thuận Paris đứng trước nguy cơ trở thành một đoàn tàu thiếu vắng đi đầu kéo.

Với việc chối bỏ Thỏa thuận Paris, Tổng thống Donald Trump đã đặt Mỹ vào nhóm 3 nước không ký thỏa thuận này: Mỹ, Syria và Nicaragua.

Sự vắng mặt của Syria là hoàn toàn dễ hiểu khi đất nước này đang phải trải qua cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm ròng rã. Cùng với cảnh bom rơi đạn lạc, các biện pháp bao vây và trừng phạt của quốc tế đã khiến những người đại diện cho đất nước này không thể đi lại tự do và tham gia vào các diễn đàn và các cuộc đàm phán tại Liên Hợp Quốc.  

Thỏa thuận Paris: Nước Mỹ có thực sự rút lui? ảnh 2 

Đất nước Trung Mỹ Nicaragua thì chối bỏ Thỏa thuận Paris với một lý do hoàn toàn trái ngược với lý do của Tổng thống Hoa Kỳ: Nicaragua cho rằng thỏa thuận này chưa đủ mạnh mẽ và đột phá để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu. Hiện tại, Nicaragua đang tiên phong trong lĩnh vực giảm thải. Hơn 50% năng lượng sử dụng tại đất nước này là năng lượng sạch, và theo kế hoạch tỉ lệ này sẽ được tăng lên tới 90% vào năm 2020. Ngân hàng Thế giới đã gọi Nicaragua là “thiên đường năng lượng sạch”, với tiềm năng phát triển dồi dào các nguồn năng lượng từ sóng, gió và ánh sáng mặt trời.

Như vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump về thực chất là đang đơn độc đi ngược lại toàn thế giới trong các nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu.

Hành động của nước Mỹ

Trong tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris, ông Trump nói: “Tôi được bầu để đại diện cho người dân ở Pittsburgh chứ không phải người dân ở Paris”. Pittsburgh từng được mệnh danh là “thành phố thép” do vị thế trung tâm của ngành sản xuất thép Hoa Kỳ trong thế kỷ XX.

Thị trưởng Pittsburgh Bill Peduto ngay lập tức đã phản pháo việc Tổng thống nhân danh người dân ở thành phố của ông để đưa ra quyết định này. Trong một bài bình luận trên tờ Huffington Post, ông Peduto viết: “Quyết định của Tổng thống Trump là một thảm họa cho hành tinh, cho những thành phố như Pittsburgh, cho những cam kết của Hoa Kỳ với toàn thế giới, cho trách nhiệm phải bảo vệ trái đất cho các thế hệ mai sau. Tổng thống đã làm cho Hoa Kỳ trở nên yếu đuối hơn, và thế giới trở nên bất an hơn. Tôi thất kinh trước việc Tổng thống nhắc đến thành phố của tôi để biện hộ cho quyết định không thể chấp nhận được của ông ấy, và hầu hết người dân Pittsburgh cũng vậy”.

Thị trưởng Pittsburgh không đơn độc khi công khai đối đầu với Tổng thống. Ông chỉ là một trong số 187 thị trưởng, trong đó có thị trưởng của những thành phố lớn nhất nước Mỹ, đã đứng ra tuyên bố sẽ tuân thủ Thỏa thuận Paris bất chấp quyết định của chính quyền liên bang. Tuyên bố chung của họ viết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo. Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch. Chúng tôi sẽ mua và tạo ra nhu cầu tiêu thụ phương tiện giao thông chạy điện. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm khí thải, tạo ra một nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch và bảo vệ công lý trong lĩnh vực môi trường. Và nếu Tổng thống muốn phá vỡ những lời hứa mà chúng ta đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris lịch sử, chúng ta sẽ xây dựng và vun đắp tình hữu nghị với cả thế giới để cùng bảo vệ hành tinh khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu”.

Không chỉ các thị trưởng, mà nhiều doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ cũng bày tỏ sự bất bình đối với quyết định của ông Trump. CEO của hãng công nghệ Tesla, nhà sáng chế Elon Musk đã ngay lập tức rời bỏ vị trí thành viên Hội đồng Cố vấn Tổng thống để phản đối quyết định này. Nike, Apple, IBM, Microsoft, thậm trí ngay cả những hãng khai thác và sản xuất dầu như Shell và BP hay những ông lớn tài chính vốn có mối liên hệ hữu hảo với nội các Donald Trump như Goldman Sachs cũng lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ phủ nhận vai trò của mình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu chung của toàn cầu.

Theo khảo sát hồi đầu năm của Đại học Yale, trong thực tế có tới 69% người dân Mỹ ủng hộ Thỏa thuận Paris, cứ 10 người Mỹ thì có 7 người tin rằng biến đổi khí hậu thực sự đang diễn ra và hơn 50% số người được hỏi tin rằng con người chính là nguyên do của hiện tượng này.

Như vậy là sau quyết định đáng lo ngại của chính quyền Donald Trump, người Mỹ và những đại diện nổi bật nhất của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng nước Mỹ vẫn chưa rút lui. Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng thế giới.

Không chạy theo phong trào để ươm mầm văn hóa đọc
Không chạy theo phong trào để ươm mầm văn hóa đọc
(Ngày Nay) - Việc thành lập thư viện, tủ sách ngay trong nhà trường sẽ tạo dựng thói quen đọc cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc tạo dựng môi trường đọc cần phải đi kèm với hành động thực chất, thay vì chạy theo các phong trào thường niên.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.