Phát biểu trước báo giới bên lề một sự kiện ngoại giao ở Manila ngày 11/8, Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa đã nhắc đến việc các lực lượng Trung Quốc từng cảnh báo một máy bay trinh sát P-8A của Hải quân Mỹ không xâm nhập khi máy bay này tiếp cận một khu vực do Trung Quốc chiến đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa hồi tháng 5.
Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa (Ảnh: AFP) |
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố không công nhận các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước ở Biển Đông, một chính sách mâu thuẫn với lập trường của Bắc Kinh.
Khi được hỏi về việc tại sao Trung Quốc lại xua đuổi máy bay Hải quân Mỹ dù cam kết tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Triệu đã vạch ra các giới hạn theo quan điểm của Bắc Kinh.
"Tự do hàng hải không có nghĩa là cho phép các nước khác xâm nhập không phận hoặc vùng biển có chủ quyền. Không quốc gia nào được phép như vậy", ông Triệu ngang nhiên nói.
"Chúng tôi nói tự do hàng hải phải được tôn trọng theo luật pháp quốc tế. Không có tự do hàng hải cho các tàu chiến và máy bay quân sự", vị Đại sứ Trung Quốc nói thêm.
Ông Triệu đã nhắc lại một tuyên bố trước đó của Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã ngừng cải tạo đất trên các bãi đá ở Trường Sa. Nhà ngoại giao này nói Trung Quốc giờ đây sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để hỗ trợ tự do hàng hải, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ và nghiên cứu khoa học.
Ông Triệu thừa nhận rằng "các cơ sở quốc phòng cần thiết" cũng sẽ được xây dựng.
Trong bối cảnh liên quan, phát biểu tại Bắc Kinh sau chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã kêu gọi tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. (Ảnh: Independent) |
Ông Hammond cho biết, Anh có mối quan tâm lớn với sự ổn định ở Biển Đông mặc dù không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp. Bất chấp chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông với một số nước Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết vùng biển.
“Chúng tôi muốn chứng kiến các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp, chứ không phải sức mạnh, đó là giải pháp ở châu Á cũng như những nơi khác theo cách phù hợp với nền hòa bình và ổn định khu vực, với tự do hàng hải, hàng không và phù hợp với luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Anh hôm qua nói với các sinh viên Trung Quốc.
Trang Ly (Tổng hợp Dân Trí/Vietnamnet)
Cập nhật Tình hình Biển Đông mới nhất hàng ngày, Tại đây
Xem thêm:
- Biển Đông hôm nay 13/8: Lật tẩy âm mưu quân sự hóa Biển Đông thâm độc của Trung Quốc
- Biển Đông hôm nay 12/8: Trung Quốc bất chấp xây 'đảo nổi', lập căn cứ quân sự trên Biển Đông
- Biển Đông hôm nay 11/8: Trung Quốc ngày càng 'cô độc' vì ngang ngược tại Biển Đông
- Biển Đông hôm nay 10/8: Trung Quốc dừng cải tạo đảo, lại chiêu trò mới?