Trong 2 tháng lực lượng Taliban nắm quyền điều hành Afghanistan, Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), một nhánh của Nhà nước Hồi giáo IS tại Afghanistan, đã thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp nước này. Việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một nhóm khủng bố có khả năng đe doạ chính quyền non trẻ tại Afghanistan, cũng như hoà bình thế giới.
Từ 18/9 - 28/10, IS-K đã thực hiện ít nhất 54 cuộc tấn công ở Afghanistan - bao gồm đánh bom liều chết, ám sát và phục kích vào các trạm kiểm soát an ninh. Đây được coi là một trong những khoảng thời gian chết chóc nhất mà IS-K gây ra ở Afghanistan.
Hầu hết các cuộc tấn công đều nhằm vào lực lượng Taliban và những người Hồi giáo dòng Shiite - một sự khác biệt rõ rệt so với 7 tháng đầu năm 2021, khi IS-K chủ yếu nhắm vào dân thường, như các nhà hoạt động xã hội và nhà báo. Những vụ đánh bom tại thủ đô Kabul và một số thành phố như Kunduz và Kandahar đã làm ít nhất 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ngày 2/11 mới đây, vụ tấn công của IS-K vào một bệnh viện quân y tại Kabul cũng đã khiến 25 người thiệt mạng.
|
Nổi lên từ năm 2015, IS-K coi Taliban là kẻ thù của mình. Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố năm 2018, IS-K là một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Sự trỗi dậy của IS-K đang khiến Taliban phải vật lộn với việc đảm bảo an ninh và trật tự tại Afghanistan. Họ đang phải bảo vệ các thành phố đông đúc khỏi một nhóm khủng bố chuyên sử dụng chiến tranh du kích.
Các quan chức phương Tây lo ngại rằng, IS sẽ đủ khả năng tấn công các quốc gia khác trong vòng 6-12 tháng tới.
Theo Colin Kahl, Thứ trưởng phụ trách về chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, rất khó để phương Tây đo lường khả năng chống khủng bố của Taliban. Theo các quan chức tại Nhà Trắng, những thông tin tình báo đáng tin cậy giữa Taliban và Mỹ không còn được chia sẻ, bởi mạng lưới cung cấp thông tin đã sụp đổ.
Taliban đã từ chối hợp tác với Mỹ, và muốn chống lại IS theo cách của mình. Tuy nhiên, dường như Taliban đang triển khai theo hướng chiến tranh du kích, hơn là một chiến dịch của chính phủ chống lại một tổ chức khủng bố.
"Taliban đã quen với việc chiến đấu như một quân nổi dậy," Colin P. Clarke, chuyên gia về chống khủng bố tại Soufan Group, công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết, "Họ đã không cân nhắc việc thay đổi cách chiến đấu, khi đối thủ là một lực lượng nổi dậy khác."
Các chiến binh Taliban tại thành phố Jalalabad, Afghanistan. (Ảnh: New York Times) |
Để đối đầu với IS, Tiến sĩ Basir, người đứng đầu chi nhánh tình báo của Taliban ở thành phố Jalalabad (Afghanistan), một mục tiêu ưa thích của IS, cho biết địa phương đang áp dụng những phương pháp tương tự như chính phủ trước đây. Họ thậm chí còn sử dụng các thiết bị của cơ quan tình báo thuộc chính quyền cũ để chặn liên lạc và lưu lượng vô tuyến.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất của Taliban, theo ông Basir, là họ được người dân địa phương ủng hộ. Họ có thể cung cấp cho Taliban những thông tin tình báo về những cuộc tấn công sắp tới, hay nơi đóng quân của những kẻ khủng bố - những điều được coi là xa xỉ với chính quyền cũ tại Afghanistan.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo rằng sự hợp tác đó có thể suy yếu trong tương lai. Có vài dấu hiệu cho thấy Taliban đang "dùng" IS-K để gián tiếp tiêu diệt một bộ phận dân cư, chẳng hạn như những thành viên của chính phủ cũ, theo New York Times.
Các quan chức Qatar cũng cho biết, có khả năng Taliban sẽ dựa vào sự trỗi dậy của IS-K như một con bài mặc cả để có thêm viện trợ tài chính từ nước ngoài, bởi khủng bố là một mối đe doạ toàn cầu.
Phía bên kia, IS-K cũng đang ráo riết chiêu mộ thêm trẻ em, dân thường và các tay súng của những tổ chức khủng bố khác. Theo Faraidoon Momand, một cựu thành viên của chính phủ Afghanistan, sự suy thoái về kinh tế là một trong những lý do hàng đầu khiến dân thường "đầu quân" cho IS-K
"Nếu nền kinh tế tiếp tục suy thoái, người dân sẽ làm tất cả mọi thứ để kiếm sống,” ông Momand nói.