Theo tờ Washington Post, Mỹ tỏ ra quan ngại về khả năng căn cứ tại khu vực al-Tanf có thể rơi vào tay các lực lượng Iran tại Syria. Một số cố vấn quân sự khác của Mỹ lại cho rằng đây là một cơ hội để mở rộng chiến dịch chống lại các lực lượng Iran tại Syria.
Số phận của căn cứ al-Tanf minh chứng cho sự bố rối trong cách phản ứng của Tổng thống Trump đối với "ảnh hưởng quân sự và chính trị" ngày càng tăng của Iran trong khu vực. Ban đầu, căn cứ được thiết lập để chống lại các nhóm vũ trang và tái chiếm khu vực biên giới chiến lược tại Bukamal, nhưng kể từ khi Trump nhậm chức, ông đã hứa sẽ hành động dứt khoát chống lại Iran.
Khi Tổng thống Trump cáo buộc Tehran "bạo lực" và thúc đẩy "đổ máu và hỗn loạn" trên khắp khu vực Trung Đông, nhiệm vụ chống IS ở căn cứ al-Tanf đã trở thành ngăn chặn sự hiện diện của Iran tại Syria. Tuy nhiên, các cố vấn quân sự hàng đầu của Trump không muốn khởi động một chiến dịch lớn hơn ở Syria vì lo ngại về sự an toàn của quân đội trong khu vực.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần đây đã leo thang khi Tổng thống Trump tuyên bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các biện pháp trừng phạt chống Tehran. Tình hình đang trở nên trầm trọng hơn bởi các cuộc không kích của Israel nhắm vào các mục tiêu của Iran tại Syria để đáp trả việc Tehran bắn tên lửa vào khu vực Cao nguyên Golan.
Kể từ năm 2016, Mỹ đã đào tạo các tay súng thuộc nhóm Quân đội Syria Tự do tại căn cứ quân sự của mình ở al-Tanf để chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố IS.
"Tình hình khi Mỹ chiếm một khu vực rộng 36 dặm xung quanh At-Tanf tại biên giới Syria-Jordan mà không có sự đồng ý của Chính phủ Syria, đã trở nên rất đáng lo ngại. Khu vực này bao gồm trại tị nạn Rukban khét tiếng, nơi các chiến binh từ các nhóm vũ trang bất hợp pháp được tự do di chuyển gần các lực lượng vũ trang Mỹ", phía quân đội Nga thông tin.
Theo Sputnik