Kể từ đầu năm nay, các chuyến tàu thương mại lại rục rịch tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của mình để đối phó với nguy cơ chạm trán cướp biển. Hoạt động này diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra lời cảnh báo rằng những băng đảng cướp biển Somalia đang dần trở lại các vùng biển ngoài khơi khu vực Đông Phi sau 5 năm vắng bóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã đưa ra cảnh báo trên, tuy nhiên không đưa ra lời kêu gọi phản ứng đối với khoảng 6 vụ tấn công mà cướp biển thực hiện nhằm vào các con tàu thương mại ngoài khơi Somalia trong 8 tuần vừa qua. Bởi vậy, các con tàu dân sự và tàu của các công ty vận tải biển buộc phải tự tìm ra giải pháp đối phó với hiểm họa trên biển.
Các tướng lĩnh quân đội Mỹ ở Lầu Năm Góc đang đồn trú ở châu Phi, và một trại lính Mỹ ở Djibouti, trong thời gian vừa qua đã theo dõi và cập nhật thông tin về các vụ tấn công của cướp biển Somalia.
Tướng Thomas D. Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, nói rằng chính nạn đói và hạn hán đang hoành hành ở Somalia là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ các vụ tấn công gia tăng đột biến từ đầu năm đến nay, trong đó các tay cướp biển tràn lên các chuyến tàu thương mại để cướp thực phẩm và dầu.
Phần lớn trong số các vụ tấn công nói trên, trong đó gồm một vụ cướp tàu chở dầu xảy ra hồi tháng trước, được tin là do những tay cướp biển đến từ khu vực miền Trung Somalia hoặc từ Puntland, một khu bán tự trị nằm ở phía Đông Bắc nước này thực hiện.
Tướng Waldhauser còn cho hay, quân đội Mỹ đang thúc giục các công ty hàng hải dân sự tăng cường an ninh các chuyến hàng của họ. Giới chức quân sự cho rằng, một số công ty vận tải tàu biển trước đó đã giảm việc thuê nhân sự an ninh bảo vệ tàu sau khi nhận thấy các vụ tấn công đã giảm mạnh trong 5 năm trở lại đây.
Được biết, có khoảng 1/3 các con tàu thương mại trên toàn thế giới phải di chuyển gần Djibouti, băng qua Vịnh Aden và hướng tới Địa Trung Hải, và sự trở lại của các băng nhóm cướp biển đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế một lần nữa cần phải chung tay ứng phó.
Trong khoảng thời gian cao điểm xảy ra các vụ tấn công cách đây 5 năm, một liên minh hải quân quốc tế đã được thành lập nhằm tăng cường các đợt tuần tra dọc bờ biển của Somalia. “Chúng tôi không dám chắc nạn cướp biển ở thời điểm hiện tại sẽ trở thành một xu thế trong khu vực” - Tướng Waldhauser nói - “Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát”.
Bình luận của vị tướng lĩnh nói trên được đưa ra trong bối cảnh một cuộc họp báo được tổ chức tại Trại Lemonier (Djibouti) với sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis về nạn cướp biển. Đây là khu trại quân sự được thành lập sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, khi quân đội Mỹ đang tìm cách theo dõi hoạt động của các chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở châu Phi và Trung Đông.
Djibouti, nằm trên khu vực Sừng châu Phi, trên Vịnh Aden, nên tiền trạm của Mỹ đặt tại đây được sử dụng như một cơ sở chiến dịch cho hàng loạt nhiệm vụ gồm thu thập thông tin tình báo về các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Shabab ở Đông Phi và hỗ trợ liên minh mà Arab Saudi dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đề cập tới vấn nạn cướp biển trong chuyến công du kéo dài một tuần lễ tới khu vực Trung Đông vừa qua. Tại Djibouti, ông đã gặp gỡ với Tổng thống nước này, Ismail Omar Guelleh, và Bộ trưởng Quốc phòng Ali Hassan Bahdon.
Sự trỗi dậy của các vụ tấn công mà cướp biển gây ra tại vùng biển ngoài khơi Somalia xuất hiện trong bối cảnh chính phủ non trẻ của nước này, được LHQ hỗ trợ, đang cố gắng chống lại phiến quân Shabab. Phần lớn các cuộc chiến chống lại nhóm cực đoan này được một lực lượng khu vực được Liên minh châu Phi (AU) hậu thuẫn thực hiện. Tuy nhiên, một số nước từng cắt cử binh sỹ tham gia cuộc chiến cho biết, họ đang chuẩn bị rút khỏi liên quân này bắt đầu từ năm 2018.
Điều này khiến cho quân đội Mỹ phải vất vả để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang Somalia có đủ khả năng chống lại nạn cướp biển. Tuy nhiên, do lực lượng vũ trang nước này còn ít được huấn luyện và ít trang bị hiện đại, nên tiến trình này được dự kiến là sẽ còn mất rất nhiều thời gian.
Trong lúc Mỹ cần phải thiết lập một lực lượng tinh nhuệ gồm 22.000 binh sỹ để đối phó với nạn cướp biển trong khu vực, thì ở thời điểm hiện tại, lực lượng vũ trang Somalia chỉ có vỏn vẹn 12.000 chiến binh.
* Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nạn cướp biển gây thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ USD đến nền kinh tế toàn cầu.
* Theo các báo cáo thì trong giai đoạn 2005-2012 cướp biển Somali đã thực hiện đến hơn 1.000 vụ việc, hơn 85% các vụ này là đòi tiền chuộc và chúng đã thành công sau khi nhận về hàng trăm triệu USD.
* Có một số yếu tố đã giúp cướp biển Somali chùn tay, kể từ khi cộng đồng quốc tế quyết định hành động vào năm 2008. Các cuộc tuần tra của hải quân quốc tế do NATO và Liên minh châu Âu lãnh đạo đã giúp tăng cường an ninh, với sự hiện diện thường trực của ít nhất 20 con tàu chiến trong khu vực.