GS Nguyễn Minh Thuyết: Phát triển làm gì nếu học sinh Việt Nam phải học SGK kém hơn các nước xung quanh?

(Ngày Nay) - Xoay quanh bộ sách giáo khoa lớp 1 lần đầu tiên có 5 "phiên bản" cho các trường trên cả nước lựa chọn, Ngày Nay tiếp tục câu chuyện về SGK với GS Nguyễn Minh Thuyết.
"Phải có sự đổi mới đồng bộ thì mới mong nền giáo dục phát triển đúng như kỳ vọng và xứng với tiềm năng của Việt Nam" - GS Thuyết khẳng định
"Phải có sự đổi mới đồng bộ thì mới mong nền giáo dục phát triển đúng như kỳ vọng và xứng với tiềm năng của Việt Nam" - GS Thuyết khẳng định

Phóng viên (PV): Nhiều phụ huynh lên mạng than thở rằng, bộ SGK năm nay đắt quá, nếu tính cả vở, sách tham khảo, đồ dùng học tập thì số tiền bỏ ra khá lớn. Giáo sư có quan tâm đến vấn đề này không?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Có chứ, tôi rất quan tâm. Nhưng phải nhìn nhận thế nào là đắt? SGK lớp 1 cũ giá 54.000 đồng/ bộ. Nhưng lớp 1 cũ chỉ có SGK của ba môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội. Còn SGK mới có từ 8 đến 10 quyển, tùy bộ sách.

Điểm thứ hai là SGK mới in trên khổ giấy 19x26,5 cm, lượng giấy để làm sách  lớn gấp 1,4 lần sách cũ.

Điểm thứ ba là sách mới in 4 màu,tranh ảnh rất nhiều, khác hẳn sách cũ. Người ta  có thể đặt  câu hỏi: Tại sao phải in to hơn, tại sao phải nhiều màu sắc và đẹp hơn? Trước hết, in trên khổ giấy to là để trang sách chuyển tải được đầy đủ nội dung hơn. Bây giờ không có mấy nước làm SGK bé như sách của ta trước đây nữa. Sách nhiều màu, nhiều tranh ảnh mới phù hợp với  tâm lý của trẻ em. Lứa tuổi học sinh tiểu học rất thích học qua tranh, qua màu sắc. Hơn nữa, bây giờ, tranh ảnh không chỉ là minh họa, mà chính là nội dung để học tập.

Bộ SGK Cánh Diều giá 199.000 đồng, nhưng lại bao gồm cả SGK điện tử. SGK điện tử rất có ích cho người dạy, người học và cả phụ huynh học sinh nhưng làm SGK điện tử thì tốn kém lắm. Tôi chỉ nói riêng bộ SGK điện tử Tiếng Việt 1 đã có tới 14 phim hoạt hình, cả trăm video dạy tập viết và cũng khoảng chừng ấy bài tập tương tác với người dùng sách. Như vậy sách rẻ, chứ không đắt.

Điểm thứ tư cũng cần nói rõ: SGK trước đây biên soạn, in ấn bằng tiền nhà nước, người mua được bù giá. Bây giờ, sách làm bằng vốn của công ty tư nhân, của nhà xuất bản, không ai bù lỗ cho các công ty, các nhà xuất bản đâu.

Tất cả những lý do nói trên làm cho giá sách cao lên. Nhưng nếu so với mặt bằng chi tiêu của xã hội thì liệu có thể nói là đắt không?

Ví dụ, vừa rồi, tôi đến Tây Nguyên. Hỏi các thầy cô mỗi lần đi dự cưới, mừng đám cưới bao nhiêu, các thầy cô cho biết bình thường ở huyện cũng phải mừng 300.000đ. Một năm mỗi người đi dự bao nhiêu đám cưới? Bộ sách chưa đến 200.000đ, dùng cho cả năm học, anh chị có thể truyền lại cho đến mấy em thì đâu có đắt!

Chúng ta luôn nói: “Dành tất cả những gì tốt đẹp cho trẻ em”. Trong gia đình, miếng ngon nhất luôn dành cho con, chỗ ngủ đẹp nhất, ấm nhất cũng dành cho con. Trong xã hội cũng vậy, chúng ta giành độc lập làm gì nếu người dân, trước hết là trẻ em, không được sống tốt hơn trước? Phát triển kinh tế làm gì nếu học sinh của Việt Nam phải học những quyển SGK không bằng của Singapore, Malaysia, Thái Lan…? Đời sống xã hội tiến lên rồi thì SGK cũng phải được nâng cấp lên.

Với riêng những vùng khó khăn, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước bao giờ cũng có chính sách trợ cấp tiền đồ dùng học tập, trong đó có SGK.

Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các NXB làm SGK tham gia xây dựng  tủ sách cho các trường vùng khó khăn, tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những giải pháp giảm chi phí học tập.

Vừa qua Chính phủ có trình Ủy ban Thường vụ Quốc  hội xem xét  đưa SGK  vào mặt hàng được Nhà nước định giá. Tuy nhiên  Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình vì đề xuất này không phù hợp với Luật Giá. Luật Giá không  quy định SGK là mặt hàng được định giá. Chủ trương xã hội hóa mà lại định giá thì ai dám làm SGK nữa? Hoặc nếu muốn định giá thì phải nói từ đầu, rằng xã hội hóa nhưng Nhà nước sẽ định giá. Tôi tin rằng nếu như vậy thì không ai làm đâu.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Phát triển làm gì nếu học sinh Việt Nam phải học SGK kém hơn các nước xung quanh? ảnh 1

GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời phỏng vấn tạp chí Ngày Nay

PV: Nhưng tôi nghe nói, làm SGK rất lãi, dù có xã hội hóa, có cạnh tranh đi nữa thì vẫn là thị trường lớn, hàng triệu học sinh đi học nhưng chỉ có 5 sản phẩm để lựa chọn, tỷ lệ thành công của các nhà xuất bản sẽ rất cao?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: (Cười) Tôi chỉ là người viết SGK, được trả thù lao theo số tiết học, chứ không phải người kinh doanh SGK nên không biết lỗ lãi thế nào. Nhưng nếu làm SGK mà rất lãi thì chắc tất cả các nhà xuất bản đều đăng ký làm SGK rồi. Như tôi được biết, hiện mới có 7 nhà xuất bản đăng ký và được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bổ sung chức năng làm SGK nhưng chỉ có 3 nhà xuất bản dám dấn thân vào việc làm SGK thôi.

Các nhà xuất bản khác chắc còn đang “ngắm nghía” xem thế nào. Trước đây, chỉ có 1 bộ SGK của NXB Giáo dục VN. Nay số học sinh không đổi mà có tới 5 bộ SGK thì đó là một số lượng quá lớn, tỷ lệ thành công không có nhiều. Tôi được biết có những bộ sách chỉ chiếm 8% hoặc trên 10% thị trường thôi. Có thể đó là lý do khiến NXB Giáo dục VN đang phải nhập 4 bộ SGK thành 2 bộ sách.

Nhưng tôi đồng ý với anh là phải kiểm soát sách tham khảo “ăn theo” SGK. Có NXB định giá SGK thấp để cạnh tranh nhưng lại xuất bản rất nhiều sách ăn theo với giá cao hơn cả SGK.

Bộ SGK Cánh Diều của chúng tôi cũng đang có một số sách tham khảo “ăn theo” nhưng không phải do chúng tôi biên soạn và nội dung là nội dung của sách cũ tân trang thôi. Chỉ cần nhìn phụ đề của sách là “sách dành cho buổi học thứ hai” thì biết. Bây giờ, chương trình mới quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì nội dung SGK phải bảo đảm 2 buổi/ngày chứ. Làm gì còn sách dành cho buổi học thứ hai như trước nữa!

Các thầy cô và phụ huynh học sinh nên tỉnh táo khi đi chọn sách để đừng chọn nhầm.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Phát triển làm gì nếu học sinh Việt Nam phải học SGK kém hơn các nước xung quanh? ảnh 2

PV: Giáo sư vừa nhắc tới các bộ SGK của các nước trong khu vực Đông Nam Á, vậy bây giờ, khi SGK mới ra đời, sách của mình so với các nước xung quanh đã ngang hàng chưa?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng, về mặt hình thức là ngang bằng nhau. Chất lượng giấy hiện nay tương đương, nó hợp vệ sinh thị giác, không hại mắt. Điểm nữa là màu sắc, minh họa đẹp. Còn về nội dung thì phải nghiên cứu kỹ, đánh giá từng cuốn sách mới nói được. Nhưng có một điều chắc chắn là khi làm chương trình cũng như khi viết SGK, các tác giả đã phải nghiên cứu, học hỏi từ chương trình, SGK của rất nhiều nước rồi.

PV: Tôi xin phép được mở rộng vấn đề, cũng liên quan tới giáo dục, hiện có một số ý kiến cho rằng, nền giáo dục Việt Nam tồn tại một bất cập rất lớn, đó là không có triết lý giáo dục xuyên suốt, nhất quán. Bất cập này đã tồn tại rất nhiều năm, và nó là điểm yếu chí tử khiến chúng ta rất loay hoay đưa giáo dục Việt Nam phát triển?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng đó là những ý kiến rất cảm tính, chủ quan. Người ta cho là Việt Nam không có triết lý giáo dục có thể vì chưa có các văn bản chính thức nào của nhà nước, từ nhà nước phong kiến cho đến bây giờ, tuyên bố về triết lý giáo dục.

Nhưng không có bất cứ nền giáo dục nào vận hành mà không có triết lý. Dù có tuyên bố ra hay không tuyên bố thì nền giáo dục nào nào cũng có triết lý của mình. Ngay những tư tưởng như “Học để làm quan” hay “Học để làm người” cũng là triết lý giáo dục, chi phối mọi thứ, từ mục tiêu đến nội dung và phương pháp giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Phát triển làm gì nếu học sinh Việt Nam phải học SGK kém hơn các nước xung quanh? ảnh 3

Triết lý giáo dục của Việt Nam mình từ trước cho đến gần đây vẫn là học để làm quan, làm cán bộ thôi. Tức là mới chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ xã hội,  chứ  chưa chú trọng phát triển cá nhân. Gần đây, các văn kiện của Đảng, của Nhà nước  đã đề cao quyền con người và đặt quyền con người ngang hàng với quyền công dân. Hiến pháp trước đây quy định quyền con người được thể hiện ở quyền công dân. Bây giờ thì Hiến pháp đã tách bạch hai quyền này và đã dành cho quyền con người sự quan tâm thích đáng.

Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị rõ là nghiên cứu về quyền con người, đưa quyền con người giảng dạy trong nhà trường. Và tôi cho đã đến lúc Việt Nam chúng ta có thể xây dựng một nền giáo dục hài hòa giữa triết lý vị xã hội và triết lý vị cá nhân. Nếu đọc kỹ ở Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT thì có thể thấy mục tiêu đổi mới giáo dục là xây dựng một nền giáo dục Thực học, thực nghiệp và Dân chủ. Nghị quyết không tuyên bố  đó  là triết lý giáo dục của Việt Nam, nhưng đó là tư tưởng đang dắt dẫn công cuộc đổi mới giáo dục nước ta.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Phát triển làm gì nếu học sinh Việt Nam phải học SGK kém hơn các nước xung quanh? ảnh 4

PV: Quay trở lại với câu chuyện SGK, hiện nay chúng ta đã hoàn thành nền móng đầu tiên trong quá trình xây dựng lại bộ SGK các cấp học. Sắp tới SGK mới cho cấp THCS và THPT cũng sẽ từng bước hoàn thành. Giáo sư có lạc quan, tin rằng, khi có bộ SGK mới, hoàn chỉnh, nền giáo dục của chúng ta sẽ chuyển biến mạnh mẽ và trở thành nền giáo dục Thực học, Thực nghiệp, Dân chủ như triết lý chúng ta đã xây dựng và đang hướng tới?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đổi mới chương trình SGK phổ thông là một trong những yếu tố nâng cao chất lương giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung. Nhưng đó chỉ là một yếu tố thôi, còn  chất lượng giáo dục thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Trong đó phải kể tới  mối quan tâm thật sự của các cấp ủy, chính quyền; cung cách quản lý; cơ sở vật chất,  đội ngũ giáo viên… Chắc chắn phải có sự đổi mới đồng bộ thì mới mong nền giáo dục phát triển đúng như kỳ vọng và xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Nhưng dù sao thì có chương trình mới, SGK mới cũng là điều rất đáng lạc quan rồi. Vấn đề trong phạm vi ngành có thể giải quyết được là  làm thế nào để anh chị em giáo viên dạy học đúng tinh thần của bộ sách mới, trong đó quan trọng nhất là tạo điều kiện để mỗi học sinh đều được hoạt động, được phát triển theo đúng khả năng của mình.

Nhìn sang nước ngoài, tôi thấy giáo viên họ cũng đang dạy học sinh theo hướng này. Nhưng “bên Tây” khác “bên Ta” là học sinh không phải mua SGK và mang SGK về nhà. Sách chỉ để ở lớp thôi và thầy cô sẽ căn cứ yêu cầu cụ thể mà chọn những bài thích hợp từ nhiều quyển SGK khác nhau cho học sinh. Đó cũng là cái hay. Nhưng ở nước mình thì chưa thể dạy và học mà không dựa vào một quyển (một bộ) SGK được. Làm sách ra thì rất vất vả, như bạn biết đấy. Nhưng sách nào cũng bị hàng chục triệu người soi. Ai cũng phán như chuyên gia cả. Và nếu dính một tí lỗi là ầm ĩ hết cả nước lên rồi.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.