Văn phòng thống kê Destatis của Đức vừa báo cáo về một đợt lạm phát nhảy vọt ở nước này trong tháng 5, khi giá cả thực phẩm và năng lượng tiếp tục leo thang.
Được biết, lạm phát hàng năm tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này đã chạm mốc 7,9%, tương đương mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.
Đợt gia tăng này ở Đức xảy ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới cũng đang lao đao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine cùng những biện pháp cấm vận chưa từng có tiền lệ nhằm vào Nga.
Theo công bố của Destatis hôm 30/5, giá năng lượng phi mã đã gây tác động rõ rệt lên chỉ số lạm phát kể từ cuối tháng 2 vừa qua, thời điểm Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Nga.
Cơ quan này cho biết: “Một yếu tố khác gây hiệu ứng tăng giá chính là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra”.
Tại Đức, giá năng lượng đã tăng 38,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 11,1%.
Trong khi đó, giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 0,9% theo tiêu chuẩn quốc gia và tăng 1,1% theo tiêu chuẩn chung của EU. Destatis dự kiến công bố số liệu cuối cùng của tháng 5 vào ngày 14/6 tới.
Tỷ lệ lạm phát cao là gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp Đức, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Theo chuyên gia kinh tế Holger Schmieding, áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức rất cao trong thời điểm hiện tại, khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và thực phẩm vẫn tồn tại. Tình hình khó khăn này chỉ có thể giảm bớt từ mùa Thu tới.