Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil 1.568 ca), Indonesia (852 ca) và Nga (734 ca).
Indonesia có ca mắc và tử vong mới vượt cả Ấn Độ
Với 38.391 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 852 ca tử vong được xác nhận trong 24 giờ qua, hiện Indonesia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày cao hơn cả Ấn Độ.
852 cũng là con số tử vong cao thứ 2 ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào hồi năm 2020.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận trên 2,4 triệu ca nhiễm, trong đó có 63.760 trường hợp không qua khỏi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Panjaitan tiếp tục hối thúc các cơ quan liên quan đẩy nhanh mua sắm và tăng khả năng cung cấp oxy cho các bệnh nhân COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay công suất sản xuất oxy của Indonesia đạt 866.000 tấn/năm, song các nhà máy mới chỉ hoạt động 75% công suất, do đó, tổng sản lượng quốc gia chỉ đạt 640.000 tấn/năm. Trong tổng sản lượng oxy nói trên, 75% được sử dụng cho các cơ sở sản xuất thép và nickel, trong khi 25% còn lại, tương ứng với 181.000 tấn mỗi năm, được dành cho ngành y tế. Theo ông Budi, Bộ Công nghiệp đã nhất trí dành 90% sản lượng oxy công nghiệp, tương đương với 575.000 tấn, để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện tại các tỉnh Trung Java, Tây Java và Đông Java.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay
Ngày 8/7, Thái Lan đã ghi nhận thêm 75 ca tử vong do COVID-19 và đây là mức cao nhất theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này.
Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái, Thái Lan đã có 2.462 người không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 308.230 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC) Natthapol Nakpanich cho biết nước này đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đại tướng Natthapol Nakpanich, người phụ trách hoạt động hằng ngày của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA), nêu rõ CCSA sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào của Bộ Y tế về việc phong tỏa để phòng dịch lây lan. Tuy nhiên, ông Natthapol cho biết đến nay vẫn chưa có đề xuất chính thức.
Khi được truyền thông sở tại hỏi liệu lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng trên toàn quốc hay chỉ ở những khu vực mà biến thể Delta là nguyên nhân gây lây nhiễm, ông Natthapol cho biết các biện pháp phong tỏa sẽ tập trung ở Bangkok và các tỉnh lân cận cùng với 4 tỉnh biên giới ở miền Nam. Các khu vực khác của đất nước có thể được đặt trong tình trạng nửa phong tỏa từng phần.
Số ca mắc mới tại Ấn Độ chỉ bằng 10% so với thời điểm đỉnh dịch
Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày giảm mạnh trong 24 giờ qua. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, quốc gia Nam Á này chỉ ghi nhận 34.443 ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc tính đến sáng 9/7 lên 30.743.013 ca. Trong khi đó, số ca tử vong ghi nhận là 470 ca trong 24 giờ, nâng tổng số ca không qua khỏi do COVID-19 lên 405.527 ca.
So với tháng 5 và 6 vừa qua, số ca mắc theo ngày tại Ấn Độ chỉ còn 1/10 so với thời điểm hơn 400.000 ca/ngày và hơn 5.000 ca tử vong/ngày. Hiện đã có 29.843.825 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, chỉ còn 460.704 ca dương tính với COVID-19.
Hàn Quốc gia hạn các biện pháp kiểm soát dịch
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong vòng 24 giờ qua, Hàn Quốc đã ghi nhận 1.275 ca mới, mức cao kỷ lục theo ngày kể từ khi địa dịch bùng phát tại nước này hồi tháng 2 năm ngoái. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày vượt ngưỡng 1.200 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là 164.028 ca.
Số liệu của KDCA cho thấy các ổ lây nhiễm tập thể được phát hiện gần đây ghi nhận ở nhiều nơi khác nhau, bao gồm các công ty, trường học và cửa hàng bách hóa trong bối cảnh có sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Delta. Bên cạnh đó, trên 80% ca nhiễm mới ở khu vực Seoul và vùng phụ cận chủ yếu là những người ở độ tuổi 20 và 30 (những người chưa thuộc diện ưu tiên tiêm chủng) và là nguyên nhân chính dẫn đến số ca nhiễm mới tăng cao trong những ngày qua.
Trong bối cảnh đó, chính phủ đã quyết định gia hạn các biện pháp ngăn cách xã hội hiện tại trong khu vực đô thị thêm một tuần cho đến ngày 14/7, đồng thời cảnh báo rằng mức độ mạnh nhất có thể được thực hiện tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Bang New South Wales của Australia khuyến cáo người dân thận trọng
Bang New South Wales của Australia (NSW) cũng kêu gọi người dân giảm tiếp xúc và các hoạt động không cần thiết khi số ca mắc COVID-19 tại bang này tăng lên mức cao mới dù số người xét nghiệm đã giảm rõ rệt. Hai kênh lây nhiễm phổ biến nhất là tiếp xúc giữa những người trong gia đình và bạn bè.
Ngày 8/7, Sở Y tế của NSW đã ghi nhận 38 ca mắc mới trong tổng số gần 40.000 trường hợp xét nghiệm tại địa phương trong 24 giờ, thấp hơn so với 45.000 xét nghiệm một ngày trước đó. Trong số các trường hợp mắc mới, có tới 12 trường hợp vẫn đang được điều tra dịch tễ. Giới chức y tế bang khuyến cáo người dân có các triệu chứng ban đầu nên đi xét nghiệm COVID-19 ngay lập tức./.
Pháp cảnh báo về biến thể Delta
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune ngày 8/7 khuyến cáo công dân nước này tránh đi nghỉ Hè tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha do nguy cơ cao lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 - biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm nhanh và gây biến chứng nặng cho người nhiễm.
Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Pháp xác nhận biến thể Delta chiếm khoảng 40% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 7/7 cảnh báo biến thể Delta có thể hủy hoại mùa Hè này ở Pháp nếu làn sóng dịch thứ 4 bùng phát.
Theo ông Attal, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta tại Pháp đã liên tục tăng trong 3 tuần qua, từ mức 10% trong số ca nhiễm mới 3 tuần trước đây lên mức 20% tuần trước và 40% trong tuần này. Hiện tỷ lệ nhiễm Delta đã tăng tại 11 khu vực đô thị của Pháp và tình hình đang ngày càng nghiêm trọng tại vùng Ile-de-France quanh thủ đô Paris.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Pháp ghi nhận trung bình hơn 42.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Con số này đã giảm còn hơn 1.800 ca/ngày vào cuối tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại sau đó và hiện tại đang tăng với tỷ lệ phần trăm 2 con số mỗi tuần.
Hy Lạp sẽ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm nghề đặc biệt
Hy Lạp thông báo sẽ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm nghề đặc biệt từ tuần tới, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh gần đây.
Ủy ban đạo đức sinh học Hy Lạp hồi tháng trước đã khuyến cáo việc tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế và những người làm việc ở các cơ sở dưỡng lão sẽ là lựa chọn cuối cùng khi các nỗ lực khuyến khích tiêm chủng không hiệu quả. Người phát ngôn chính phủ cho biết: "Chính phủ đã lắng nghe khuyến cáo trên và sẽ thông báo quyết định vào tuần tới".
Có một số tranh cãi về việc tính đạo đức của việc bắt buộc tiêm phòng. Trong một cuộc thăm dò, đa số người Hy Lạp được hỏi ủng hộ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm đặc biệt phải tiếp xúc nhiều với công chúng.
Hiện khoảng 38% người dân Hy Lạp thuộc đối tượng được tiêm đã tiêm đủ liều vaccine. Chính phủ nước này đã đặt ra những phần quà hấp dẫn để người dân đi tiêm, như tiền mặt hoặc dữ liệu mạng internet miễn phí cho giới trẻ, nhằm nâng tỷ lệ tiêm phòng lên 70% vào mùa Thu tới.
Từ ngày 8/7, Hy Lạp đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhà hàng, quán rượu và câu lạc bộ ban đêm do tình hình dịch tễ diễn biến phức tạp trở lại.
Biến thể Delta nhiều khả năng đã xuất hiện sẵn tại Brazil
Tại Nam Mỹ, giới chức y tế Brazil cảnh báo biến thể Delta đang lây lan trên toàn Sao Paulo, bang đông dân nhất nước này. Theo ông Jean Gorinchteyn, người đứng đầu cơ quan y tế bang Sao Paulo, biến thể Delta, vốn khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã trở thành biến thể "bản địa", tức là nó đã xuất hiện trong cộng đồng, ở những người chưa từng đi du lịch hoặc có tiếp xúc với những người đã tới Ấn Độ.
Hồi tuần trước, Brazil đã ghi nhận hơn một chục ca mắc biến thể Delta. Tất cả trường hợp này là các ca nhập cảnh từ Ấn Độ hoặc đã từng tiếp xúc với người trở về từ Ấn Độ và đều bị cách ly. Tuy nhiên, ngày 5/7 vừa qua, thành phố Sao Paulo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Delta trong cộng đồng và người này không đi nước ngoài trước đó. Bang Rio de Janeiro cũng ghi nhận 2 ca mắc biến thể Delta vài ngày sau đó.
Với dân số 212 triệu người, Brazil đã hứng chịu làn sóng dịch thứ hai diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua, do sự lây lan của biến thể Gamma lần đầu tiên phát hiện tại Manaus, bang Amazonas của nước này.
Cho tới nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 530.179 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 18.962.762 ca mắc. Tỷ lệ tử vong theo ngày đã giảm trong những tuần gần đây, từ mức 2.000 ca/ngày hồi giữa tháng 6 xuống còn 1.600 ca/ngày vào tuần trước.