Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định triển khai chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine, Mỹ và một số nước châu Âu đã ngay lập tức áp những biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga. Nhưng họ sẽ chống đỡ thế nào khi giá xăng dầu và khí đốt liên tục tăng - "tác dụng phụ" của những đòn trừng phạt?
Nga hiện đang cung cấp tới 2/3 lượng khí đốt cho Đức, và 40% cho toàn châu Âu. Và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã cho thấy những dấu hiệu lưỡng lự trong việc đối đầu Nga. Đức tuyên bố ngừng chứng nhận Nord Stream 2, khiến đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức bị đình chỉ vô thời hạn. Nhưng chưa rõ liệu Thủ tướng Olaf Scholz có thể kiên trì được bao lâu, khi giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 57% lên trên 1.600 USD/1.000 mét khối trong ngày 24/2, theo dữ liệu từ Sàn giao dịch ICE của London.
Tại Mỹ, ngày 24/2, giá dầu Brent đã chạm mức 102,48 USD/thùng, lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014. Mỹ vẫn bị ràng buộc vào thị trường dầu mỏ quốc tế, nơi Nga là một trong những nhà sản xuất chủ chốt. Khi chính phủ đang loay hoay tìm cách hỗ trợ, thì người dân và doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu "độc lập về năng lượng" của Mỹ đang trở nên bất ổn định hơn bao giờ hết.
|
Nga đang ngày càng chứng tỏ sự thống trị về năng lượng của mình với toàn bộ châu Âu. Đó là chưa kể tới Trung Quốc, nước đang kiểm soát phần lớn nguyên liệu thô của thế giới - chìa khoá để tiến tới năng lượng sạch. Đầu tháng 2/2022, Trung Quốc đã chính thức ủng hộ cách xử lý của Nga trong vấn đề Ukraine, gián tiếp cho thấy hai nước đang ở cùng một phe vào thời điểm này.
Mỹ và đồng minh đang nỗ lực khai thác những nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời, hydro, và tích cực sản xuất ô tô điện. Nhưng việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ khiến họ phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi giàu nguyên liệu dùng để sản xuất pin cho xe điện nhất thế giới.
Hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc có quyết định chiến lược nhằm xoay chuyển thế giới điện khí hóa. Họ đầu tư rất nhiều vào việc sản xuất pin và lắp ráp xe điện, cũng như tích cực khai thác các loại khoáng sản cần thiết để sản xuất pin.
Pin cho xe điện trong một nhà máy sản xuất tại thành phố Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images) |
Thống kê của Roland Berger, công ty tư vấn quản lý quốc tế có trụ sở tại Munich (Đức) cho thấy, tính đến năm 2020, các công ty Trung Quốc kiểm soát hơn 60% nguồn cung lithium, niken và hơn 70% nguồn cung côban của thế giới. Trong khi đó, Mỹ chỉ sở hữu 4% nguồn cung lithium, 1% niken và 0% côban. Đây là những nguyên liệu bắt buộc cho loại pin lithium-ion dùng cho xe điện. Không chỉ vậy, 41% cực âm và 71% cực dương của pin xe điện là do Trung Quốc sản xuất, còn Mỹ về cơ bản không sản xuất những thành phần quan trọng này. Vào cuối năm 2021, có 211 nhà máy sản xuất pin xe điện đang được xây dựng, trong đó có 156 nhà máy ở Trung Quốc, và chỉ 12 ở Mỹ.
Những con số trên chỉ ra rằng, Mỹ và đồng minh đang phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước không cùng chia sẻ lợi ích và giá trị với họ.
"Độc lập năng lượng" có lẽ vẫn là một mục tiêu xa vời với Mỹ và châu Âu, và sẽ là một rào cản lớn với những lệnh trừng phạt họ muốn đặt lên Nga trong tương lai.
Em Hãng tin Bloomberg đưa tin ngày 24/2 rằng, 24 giờ sau khi ông Putin công nhận độc lập hai vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, châu Âu, Anh và Mỹ vẫn mua tổng cộng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế của Nga, trị giá hơn 350 triệu USD.
"Nga có thể kiểm soát tác động của các đòn trừng phạt lên nền kinh tế. Nga biết cách sống chung với chúng," James Nixey, Giám đốc chương trình Nga - Âu - Á của Viện nghiên cứu Chính sách Chatham House (London, Anh) nhận xét.