Nga giành chiến thắng trước lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã lợi dụng sự phụ thuộc lâu dài của Nga vào vận chuyển và bảo hiểm ở châu Âu làm đòn bẩy để kiềm chế nguồn thu mà Moskva có từ dầu thô.
Giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Ảnh: Reuters
Giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Ảnh: Reuters

Nga đã có chiến thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu trong những ngày gần đây khi giá dầu thô của nước này được giao dịch trên mức giá trần của phương Tây, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin.

Theo công ty dữ liệu hàng hóa Argus Media, đây là lần đầu tiên giá dầu loại Urals hàng đầu của Nga vượt qua giới hạn giá 60 USD/thùng kể từ khi Mỹ và các đồng minh đưa ra chính sách trừng phạt mới vào tháng 12 năm ngoái. Đó là một dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đã thành công, ít nhất là một phần, trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt.

Giới hạn giá trên là một phần trong chiến dịch gây áp lực kinh tế của phương Tây và nhắm vào nguồn doanh thu quan trọng nhất của Nga. Nó nhằm mục đích làm cạn kiệt nguồn thu của Điện Kremlin đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất Nga tiếp tục cung cấp xăng dầu ra thị trường để không gây ra lạm phát trên toàn thế giới.

Nga đang giảm bớt hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động thương mại xăng dầu của nước này. Theo Bloomberg, dầu Urals đang được giao dịch ở mức giá cao nhất trong năm nay và với mức chiết khấu ngày càng nhỏ đối với thị trường quốc tế.

Loại xuất khẩu hàng đầu của Nga đã tăng lên 62,92 USD/thùng tại cảng Primorsk của Biển Baltic vào cuối tuần trước. Đó là mức cao nhất kể từ trước khi EU cấm nhập khẩu và gia nhập nhóm G7 áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với nguồn cung của Nga vào tháng 12 năm ngoái.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa so với một năm trước.

Một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng siết chặt tài chính đối với Moskva có thể giảm bớt: Mức chiết khấu đối với dầu Urals, so với dầu Brent chuẩn, đã giảm xuống còn 20 USD/thùng. Khoảng cách vẫn còn lớn hơn nhiều so với trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, nhưng nó đã giảm một nửa kể từ tháng 1 năm nay.

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, mà Moskva đã tham gia, cũng đã giúp đẩy giá dầu thô của Nga lên trên mức trần. Dầu Urals được thúc đẩy thêm từ nhu cầu cao ở châu Á, nơi các nhà sản xuất Nga đang chiếm ưu thế trước nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã lợi dụng sự phụ thuộc lâu dài của Nga vào vận chuyển và bảo hiểm từ châu Âu làm đòn bẩy để kiềm chế nguồn thu mà Moskva có được từ dầu thô.

Sergey Vakulenko, nhà phân tích tại Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia và cựu Giám đốc điều hành dầu mỏ ở Nga, nhận định giá leo thang cho thấy việc Nga thúc đẩy thiết lập một mạng lưới tàu chở dầu thay thế mà không bị áp dụng lệnh trừng phạt đang làm xói mòn ảnh hưởng của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu giá trị của họ.

Chuyên gia Vakulenko nói: “Đây là một quá trình phát triển, thích nghi và bây giờ chúng ta thấy kết quả. Các công ty dầu mỏ của Nga đã nỗ lực rất nhiều để duy trì hoạt động kinh doanh và kiếm lợi. Họ đã chứng tỏ mình là những nhà điều hành có năng lực”.

Các công ty trong nhóm G7 chỉ được phép vận chuyển và bảo hiểm dầu thô của Nga nếu giá dưới 60 USD/thùng. Có quan điểm cho rằng Moskva sẽ bán xăng dầu với giá thấp hơn vì nước này cần các dịch vụ của phương Tây để xuất khẩu dầu của mình. Nhưng các thương nhân cho biết các nhà sản xuất Nga gần đây tỏ ra ít muốn đàm phán giá. Đó là một sự thay đổi kể từ khi Urals đạt gần 60 USD/thùng vào tháng 4.

Một thách thức lớn hơn đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây là hệ thống hậu cần mới mà Nga và các công ty liên quan của họ đã bắt đầu xây dựng, bao gồm các tàu chở dầu thuộc sở hữu, bảo hiểm và thuê bên ngoài phương Tây.

Theo công ty theo dõi tàu Vortexa, trong quý 2 năm nay, số lượng tàu chở dầu làm việc với các nhà sản xuất bị trừng phạt nhiều gấp 5 lần so với cuối năm 2021. Gần 80% số tàu đó đã đi qua thị trường Nga.

Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.