Theo Kết luận của TTCP , khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch, yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương rà soát thuốc, máy móc, trang thiết bị vật tư. Quá trình mua sắm vật tư y tế tại Bộ Y tế cũng bị xác định có nhiều thiếu sót và sai phạm trong công tác quản lý.
Cụ thể, việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế với một số gói thầu có dấu hiệu vi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Danh sách những gói thầu vi phạm gồm: hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Máy X-Quang di động kỹ thuật số của hãng Fujifim tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo TTCP, việc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ đã để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn vốn mua sắm với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, ngày 10/7/2021, ông Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đã ký ban hành Quyết định số 1808/QĐ-BVĐHYD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Cung cấp hoá chất xét nghiệm và vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 (lần 5).
Theo đó, bốn nhà thầu được chỉ định trúng gói thầu trên với tổng giá trị trúng thầu là 26.176.375.801đ gồm: Công ty TNHH Dược phẩm Quang Dương, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông, Công ty TNHH Phát triển Mỹ Văn, Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Nam Phát. Nguồn vốn để mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm được Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM trích từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Trong số bốn nhà thầu trên, Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Nam Phát (thành lập ngày 11/5/2009, địa chỉ trụ sở chính tại 260/1-3 Phan Anh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM; đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Lệ Phương) được chỉ định trúng phần thầu gồm: 85.000 khay thử xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, chủng loại SGTi-flex COVID-19 Ag (kit test COVID-19) trị giá 11.468.625.000đ. Được biết, test SGTi-flex COVID-19 Ag thuộc phân nhóm 6, có mã hàng: CAGT900E, hãng sản xuất: Sungentech, Inc/Hàn Quốc.
Theo phê duyệt, mức giá test SGTi-flex COVID-19 Ag mà Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM mua là 134.925đ/test. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá test SGTi-flex COVID-19 Ag mà Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Nam Phát bán cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cao hơn rất nhiều lần so với các đơn vị khác ở cùng thời điểm.
![]() |
Cụ thể, vào tháng 10/2021, thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, trong tháng 7 và 8/2021, khi Vingroup mua 20 triệu kit test để tặng, có thời điểm doanh nghiệp này đã phải trả giá cao hơn rất nhiều so với giá thông thường.
Được biết, vào thời điểm đó, Vingroup đã mua hơn 3 triệu bộ test Standard Q Covid-19 Ag Test của SD Biosensor Inc, Hàn Quốc với giá 175.000đ/test; 700.000 bộ Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device của Abbott Diagnostics Korea Inc, Hàn Quốc với giá 115.000 đồng/test; 700.000 bộ test SGTi-flex COVID-19 Ag của Sugentech, Inc., Hàn Quốc, giá 78.000đ/test; 10,5 triệu bộ BIOSYNEX COVID-19 Ag BSS từ Biosynex Swiss SA, Pháp/Thụy Sĩ với giá 88.651đ /test...
Như vậy, tính ra mức giá mua kit test SGTi-flex COVID-19 Ag của Sugentech, Inc., Hàn Quốc của Vingroupvẫn thấp hơn 1,73 lần so với giá mà Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Nam Phát đã bán cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Nghĩa là, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã sử dụng nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua lô kit test trên với số tiền đội giá gần 5 tỷ đồng (đây chỉ là tính riêng phần trúng thầu của Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Nam Phát được chỉ định).
Trước đó, vào ngày 26/9/2021, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, chi phí mỗi test xét nghiệm nhanh mua tại nước ngoài về chỉ có giá khoảng 1,5 USD (khoảng 35.000đ), nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác), mỗi kit test cũng chỉ có giá khoảng 50.000đ.
Ngoài ra, TTCP cũng xác định, việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP. HCM trong giai đoạn 2020-2021 có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, TTCP đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an xem xét. Trong đó, có một số Công ty đã cho Viện Pasteur mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng như: Phương Đông, Phát triển khoa học Vitech, Roche Việt Nam, Phát triển Khoa học Sự sống.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc đã trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Tuy vậy, sau khi trúng thầu, Công ty Tài Lộc không trực tiếp mua hàng từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà thực hiện mua qua nhiều khâu trung gian để cung cấp cho các bệnh viện. Việc này đã khiến giá thiết bị y tế bị nâng lên cao. Đa số đơn giá thiết bị y tế trong hợp đồng của Công ty Tài Lộc với các bệnh viện đều cao gấp khoảng từ 2 đến 3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế.
TTCP đánh giá, việc bán các thiết bị với giá cao trên của Công ty Tài Lộc "có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường" nên đã chuyển sang Bộ Công an để điều tra.
Một vụ việc cũng được TTCP chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét là việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế với một số gói thầu. Cụ thể, các gói thầu mua sắm hệ thống nội soi phế quản của hãng Olympus, Máy X-Quang di động kỹ thuật số của hãng Fujifim. TTCP cho rằng, việc thẩm định, phê duyệt giá các gói thầu này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sau khi chỉ ra các sai phạm, TTCP kiến nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ về những khuyết điểm trong chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu để mua sắm thiết bị; việc quản lý tiếp nhận, phân bổ, tiêm chủng...